Công nghệ và công khai, minh bạch

(PLVN) - Hôm qua, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công Quốc gia (CDVCQG) và những lợi ích dành cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hoạt động ngỡ như bình thường trong bộn bề công việc khác của Chính phủ, tuy nhiên có ý nghĩa lớn. Bởi đây chính là một trong những nỗ lực ứng dụng công nghệ số vào quản trị quốc gia trong môi trường Cách mạng công nghiệp 4.0

Thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. Bởi CDVCQG là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” TTHC. Đây cũng là kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết TTHC; đồng thời, Văn phòng Chính phủ, đầu mối giúp Chính phủ và cá nhân Thủ tướng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Nếu như ở thời điểm khai trương tháng 12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp, đến nay trên CDVCQG đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 232 dịch vụ cho doanh nghiệp. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng CDVCQG đóng góp 3.036 tỷ.

Ngoài ra, CDVCQG còn tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Tính đến ngày 18/5, CDVCQG đã có 37 triệu lượt truy cập, trên 142 nghìn tài khoản đăng ký, trong đó có 1.149 tài khoản của doanh nghiệp. Từ ngày 12/5, CDVCQG cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ phấn khởi trước thành công của Việt Nam trong kiềm chế dịch Covid-19. Theo ông, đây là thời điểm cần nêu bật bài học về sự cần thiết phải số hoá, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng. “Covid-19 giống như cuộc gọi thức tỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để đẩy mạnh việc này. Chúng ta không thể tiếp tục duy trì kinh doanh như thường lệ mà phải số hoá, doanh nghiệp hoạt động trên môi trường trực tuyến sẽ gặp ít xáo trộn hơn”, ông Ousmane Dione khẳng định.

Lâu nay, chúng ta hết sức loay hoay về công khai, minh bạch, đơn giản hóa TTHC. Gần như ai cũng “ưa” đổ lỗi cho hai chữ “cơ chế”, trong khi “cơ chế” là sản phẩm của con người. Càng “tù mù” càng dễ “tham nhũng vặt”.

Rõ ràng, việc “điện tử hóa”, “số hóa” không chỉ là bước tiến dài về ứng dụng khoa học công nghệ mà còn có ý nghĩa trên nhiều mặt, đặc biệt góp phần thực hiện phương châm hành động năm 2020 của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, góp phần đấu tranh chống trì trệ, chống tiêu cực, tham nhũng.