“Công tác” thời Covid

(PLVN) - Chiều 2/8, phát biểu tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các tỉnh thành về phòng chống Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết từ ngày 24/7 các đội phản ứng nhanh thuộc bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế đã có mặt tại Đà Nẵng. 
Hình ảnh chiến sĩ công an ghé thăm nhà nhưng chỉ đứng nhìn con qua cánh cổng.
Hình ảnh chiến sĩ công an ghé thăm nhà nhưng chỉ đứng nhìn con qua cánh cổng.

“Về tâm lý anh em ở trong này rất ổn định, làm việc rất hăng say. Tôi xin phép được ở Đà Nẵng cho đến khi dịch chấm dứt thì mới về”, ông Sơn báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng lan truyền tấm hình một cán bộ công an công tác tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang tham gia phòng chống dịch, tranh thủ ghé về thăm vợ con. Người cha trong bộ quân phục chỉ dám đứng ngoài cổng, vỗ tay hướng về đứa con chừng 2-3 tuổi đang đứng trong sân, có lẽ nựng nịu con vài câu rồi lại hối hả tạm biệt rời đi, quay lại “chiến trường chống dịch”.

Đó là những chuyến công tác ý nghĩa, thiết thực, khiến dư luận phải nghiêng mình cảm động.

Thế nhưng cũng cùng thời gian này, tại một tỉnh phía Bắc, có một “chuyến công tác” của gần 40 cán bộ khiến dư luận xôn xao, thậm chí nhiều ý kiến bất bình. Không rõ vì động cơ nào mà lịch trình của “đoàn công tác” này được tung lên mạng. Chỉ biết trong đoàn có Bí thư, Chủ tịch tỉnh, nhiều lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp…

Lịch 7 đêm 8 ngày “công tác” tại một số tỉnh phía Nam, thì chỉ có 3 buổi đi thăm mô hình trang trại sản xuất và làm việc với cơ quan chức năng một tỉnh bạn, còn lại chỉ thấy những kế hoạch nhận khách sạn, ăn uống, tắm biển tại những địa điểm du lịch nổi tiếng như Huế, Nha Trang, biển Cửa Lò (Nghệ An)…    

“Chuyến công tác” này sau đó đã phải rút ngắn giữa chừng, không rõ vì tình hình dịch bùng phát phức tạp, vì bị dư luận phát hiện ra, hay vì chính địa phương này đã phát hiện ra một ca nhiễm Covid-19, cả đoàn hối hả trở về ngay sau khi vừa bắt đầu “công tác”.

Trả lời báo chí, lãnh đạo địa phương này, cũng là “trưởng đoàn công tác” trên lý giải còn có vẻ thiếu thuyết phục về sự việc, vẫn cho rằng đây là “chuyến công tác”. Có lẽ “may mắn” cho “đoàn công tác” này là vì dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh và quá phức tạp, nên dư luận cũng không đòi “truy tới cùng” sự việc, mà hướng sự quan tâm vào công tác phòng chống dịch.

Đặt câu chuyện bên cạnh những chuyến công tác thực sự của những người đang lao vào “tâm bão” Đà Nẵng, mới thấy “chuyến công tác” trên quả là lố bịch. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương cần rút kinh nghiệm, lấy đây là bài học, đừng để phát sinh những “chuyến công tác” tương tự.