Đại dịch - Phá hủy và chữa lành

(PLVN) - Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thứ đứng yên, khiến thế giới phải chậm lại rất nhiều nhịp. Và trong khi con người đang sống chậm lại, lo giữ gìn sự sống cho chính mình thì kì diệu thay, thiên nhiên cũng đang được chữa lành.
Những cánh rừng từng bị đốn hạ liên tục vì nhu cầu của con người.
Những cánh rừng từng bị đốn hạ liên tục vì nhu cầu của con người.

Thiên nhiên đang hồi sinh 

Giữa quá nhiều thông tin buồn bã tiêu cực, mang đầy lo lắng mà đại dịch mang đến: những số liệu về ca nhiễm mới, ca tử vong trên toàn cầu và những công ty phá sản thì vẫn có những ánh sáng của niềm vui. Một trong số đó là việc thiên nhiên đang hồi sinh nhờ sự ngừng lại, chậm lại của con người. 

Tầng ozon đang liền lại, đó là điều mà người dân khắp thế giới thời gian này đang hồ hởi chia sẻ cho nhau. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, mức ô nhiễm không khí ở nhiều quốc gia đã được cải thiện, đồng thời lỗ hổng tầng ozon ở Nam Cực đang liền lại. Nguyên nhân là do lượng hóa chất độc hại thải ra từ xe cộ và các hoạt động công nghiệp giảm mạnh trên toàn cầu dưới tác động của lệnh phong tỏa chống Covid-19.

Đại dịch Covid hoành hành đã làm cho hoạt động sản xuất công nghiệp ngưng trệ, đời sống người dân chậm lại, thậm chí là rất nhiều quốc gia đã thực hiện giãn cách xã hội, đồng nghĩa với việc mật độ người lưu thông trên đường phố giảm một cách đáng kể. Đặc biệt, tại những quốc gia bị phong tỏa vì Covid-19, người dân hầu như không ra đường, điều này ảnh hưởng rất lớn đến lượng khí thải ra môi trường và tác động trực tiếp làm thay đổi chất lượng của không khí.

Những số liệu được đo đạc cụ thể, thực tế trên thế giới đã cho thấy điều này. Tại Việt Nam, hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội trong những ngày trước đại dịch, trên ứng dụng đo chất lượng không khí AirVisual liên tục hiện những màu vàng, đỏ và tím đáng lo ngại. Một thời gian trong dịch, bảng đo chất lượng không khí trên ứng dụng này ở cả hai thành phố đều đã “đổi màu”.

Sáng tháng 3, AirVisual hiển thị chỉ số chất lượng không khí ở TP HCM trung bình là 65, màu vàng - mức vừa phải. Màu vàng này cũng phủ rộng trên bản đồ chất lượng không khí toàn thành phố. Lác đác một số khu vực, màu xanh hiện lên. Đây là điều hiếm gặp thời gian qua. Có những khu vực, chỉ số ô nhiễm giảm đi hơn một nửa. 

Về phần Hà Nội, thời điểm những tháng cuối năm 2019, không khí của Thủ đô đáng báo động với liên tục màu đỏ cảnh báo, có lúc lên đến màu tím - nguy hại cho sức khỏe. Bụi mịn lơ lửng màu xám đục trên bầu trời như sương mù, một loại sương mù mang theo độc tố.

Các nhà khoa học thường xuyên cảnh báo người dân hạn chế ra ngoài khi không cần thiết. Mấy ngày nay, chỉ số ô nhiễm đã giảm gần 10 lần, trở về mức 11,5, tiệm cận quy chuẩn cho phép của WHO. Thủ đô đang trong lành trở lại, có thể nói là thời điểm hiếm hoi có khí hậu đẹp đến thế trong những năm gần đây.

Tình hình biến đổi về môi trường không chỉ diễn ra ở Việt Nam. AirVisual tiến hành đo đạc và thống kê lượng khí thải, mức độ ô nhiễm sụt giảm mạnh trên quy mô toàn cầu, kể cả những thành phố có tiếng ô nhiễm bậc nhất thế giới.

NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phát hiện ra sự giảm ô nhiễm đáng kể bắt đầu từ giữa tháng 1 đến tháng 2. Hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ nitơ dioxide (gây ra bởi ô tô, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp) được thải ra giảm đáng kể so với cùng kỳ. Con số này còn lý tưởng hơn nhiều thời gian lễ, tết thường dẫn đến giảm phát thải.

Biến chuyển tích cực về mặt khí hậu và môi trường chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khác, đó là sự tác động trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý con người. Sự tạm ngưng của hoạt động kinh tế, đặc biệt là sự khai thác trực tiếp của con người vào thiên nhiên đã giúp cho thiên nhiên có cơ hội để được nghỉ ngơi và được chữa lành.

Nhiều nơi trên thế giới, những dòng sông bắt đầu ghi nhận được sự trong xanh trở lại sau nhiều năm ô nhiễm và đục ngầu. Có những dòng sông được coi là dòng sông chết, nay ghi nhận sự xuất hiện của cá và sinh vật sống dưới nước. Những hàng cây không còn ngã xuống vô tội vạ. Đại dương giảm nhận vào lòng nó hàng triệu triệu tấn rác thải khó phân hủy.

Đồng thời sinh vật biển cũng có cơ hội để sinh sôi nảy nở thay vì trở thành miếng mồi ngon để thỏa tham muốn thưởng thức, nhậu nhẹt của loài người. Quả đất dường như đang diễn ra một nghịch lý cực kỳ hợp lý.

Lời cảnh báo từ trên cao?

Trước đại dịch Covid-19, con người trên trái đất này hầu như chưa có khi nào chịu ngưng nghỉ. Giấc ngủ của người này là thời điểm thức và hoạt động của người khác. Mặt trời tắt ở nơi này thì sáng lên ở nơi khác. Kỳ nghỉ lễ Tết ở quốc gia này vẫn là những ngày hoạt động kinh tế đầy sôi động ở quốc gia khác. Con người chưa bao giờ ngừng lại.

Không chỉ thế, con người luôn luôn mong muốn mở rộng hơn nữa những không gian và giới hạn sống của mình, vươn lên tầm cao hơn nữa trong công cuộc chinh phục tự nhiên. Nhiều quốc gia muốn chế tạo ra vũ khí hạt nhân để đối phó với quốc gia khác. Có những vùng đất lập biển, san bằng con sông để có thêm những khu dân sinh cao cấp và hoành tráng. Người ta còn muốn xây thêm những tòa nhà chọc trời xuyên thấu tầng mây. 

Những thành phố công nghiệp hàng đầu thế giới ngưng hoạt động.
 Những thành phố công nghiệp hàng đầu thế giới ngưng hoạt động.

Mà không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam thôi, hàng ngày, hàng giờ người ta chứng kiến thiên nhiên từ từ ngã xuống cho tham vọng của con người. Khó ai có thể thống kê hết, chỉ riêng những quán nhậu, nhà hàng la liệt khắp đất nước đã hút về bao nhiêu lượng hải sản, thủy sản, sinh vật rừng… Trong số đó, còn có cả những sinh vật đáng ra không được đánh bắt vì nằm trong danh mục sách đỏ, danh sách cấm hoặc đang trong mùa sinh sản, đẻ trứng... 

Tại Đà Lạt, thủ phủ du lịch của cao nguyên phía Nam, cứ một thời gian ngắn người ta lại phát hiện ra một khoảng rừng thông bị đầu độc chết đứng. Có những cánh rừng thông ở Đà Lạt nhìn ngoài xinh đẹp mơn mởn như cô gái xuân thì, thực chất ở giữa lòng rừng đã trở thành đồi trọc, đã mọc lên những xưởng cưa, xưởng gỗ, những đồi chè, đồi cà phê,… lậu.

Không chỉ phá rừng, người ta còn phá núi, cách đây chưa lâu, chỉ năm 2019 thôi, những người yêu thiên nhiên Việt Nam bỗng nhiên phát hiện một khu du lịch tâm linh sừng sững mọc lên trên đỉnh núi, cạnh cột cờ Lũng Cú. Người dân sống gần đấy nghe tiếng mìn nổ mỗi ngày.

Để khu du lịch tâm linh được dựng lên hoành tráng và thu hút du khách thì cả một ngọn núi, một cánh rừng với bao nhiêu loài cây quý hiếm, bao nhiêu sinh vật đang sống phải hy sinh tức tưởi. Hay chuyện của đầu năm 2020, một quần thể núi đá di sản ở Vịnh Hạ Long, hòn Cặp Bè đã bị đập phá để mở rộng đường. 

Thế đấy, con người có bao giờ chịu ngưng cái túi tham của mình lại. Nhân danh sự phát triển và đi lên, con người đã can thiệp thô bạo vào thiên nhiên, đã hủy hoại thiên nhiên và đạp thiên nhiên dưới chân mình với tham vọng vươn xa, xa mãi, xa nữa.

Thế nhưng, có ai ngờ, vào một ngày, không chỉ một quốc gia, không chỉ một địa phương mà toàn bộ con người trên trái đất này đều phải ngưng lại hay chậm lại. Kể cả những quốc gia nổi tiếng về công nghiệp, nổi tiếng với mức độ hiện đại hóa. Trong đó có những quốc gia không có ban đêm bởi vì đêm cũng như ngày đều cuồn cuộn nhịp sống, với mức độ sản xuất công nghiệp.

Đại dịch cùng với sự chậm lại của loài người trên trái đất này đã dẫn đến bao nhiêu hệ lụy. Những cái chết diễn ra ở khắp nơi, những người nhiễm bệnh, sự đình trệ về sinh hoạt, học tập, sản xuất,… Nhưng, cuộc đời luôn có những nghịch lý như thế, sự kém may mắn của những đối tượng này lại đem lại sự tái sinh cho những đối tượng khác. Mà cụ thể ở đây chính là thiên nhiên. Giờ đây, thiên nhiên dường như đang được chữa lành, đang được tái sinh.

Đại dịch là điều không ai mong muốn, đem theo những hậu quả kinh hoàng cho hiện tại và cho cả tương lai. Nhưng qua đại dịch, con người bắt buộc phải nhận ra nhiều bài học cực kỳ giá trị, mà một trong những bài học lớn lao nhất đó là sự trả giá cho những gì mình đã làm với tự nhiên. Người ta bảo rằng phải chăng Covid-19 chính là lời cảnh báo của mẹ thiên nhiên dành cho những đứa con hư của họ - loài người?

Như lời nhận định của nhà khoa học khí hậu Michael Mann: “Cuộc khủng hoảng dài hạn thực sự của trái đất này chính là biến đổi khí hậu. Và thật trớ trêu, một cuộc khủng hoảng khác - đại dịch Coronavirus đã chỉ ra rằng chúng ta có thể thay đổi chính mình để thiên nhiên trở nên tốt lành hơn.

Những nỗ lực của loài người chống lại virus Corona đã cho thấy hiệu quả đáng kể. Đối với biến đổi khí hậu cũng thế. Phải nhận ra rằng, ngay bây giờ, hãy thay đổi nhận thức và nỗ lực, thiên nhiên sẽ được chữa lành. Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”.