Đắk Lắk: Kết luận thanh tra “gọi tên” hàng loạt công ty lâm nghiệp để mất rừng

(PLO) - Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công bố Kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và chỉ ra hàng loạt sai phạm tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, cả 8 công ty bị thanh tra đều có những sai phạm như để mất đất, mất rừng và chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. 
Một vụ phá rừng mới được phát hiện tại Đắk Lắk.
Một vụ phá rừng mới được phát hiện tại Đắk Lắk.

Để mất rừng, nợ tiền thuê đất

Theo nội dung các kết luận thanh tra, có 8 công ty lâm nghiệp được UBND tỉnh này giao, cho thuê khoảng 75.000 ha đất, rừng để quản lý, sử dụng. Thế nhưng, tại thời điểm thanh tra, cả 8 công ty đã để mất tổng diện tích khoảng 8.000 ha đất, rừng. 

Trong đó, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh được tỉnh giao và cho thuê gần 14.000 ha đất, rừng trên địa bàn xã Ea Rốk và xã Cư Kbang (huyện Ea Súp). Thế nhưng, từ năm 2012 đến tháng 10/2016, công ty này đã để người dân lấn chiếm hơn 2.000 ha đất (trong đó có hơn 1,6 ha rừng tự nhiên) để trồng cây ngắn ngày và 150 ha trồng cây điều nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Tương tự, Công ty lâm nghiệp Buôn Wing (huyện Cư Mgar) được cho thuê hơn 3.000 ha đất. Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2016, có hơn 275 ha diện tích rừng tự nhiên, đất rừng do công ty quản lý bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. 

Một trường hợp khác là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy, tại thời điểm thanh tra, công ty này đang quản lý, sử dụng gần 11.000 ha đất, rừng. Thế nhưng, công ty đã để cho người dân lấn chiếm, xâm canh và sử dụng trái phép hơn 909 ha đất rừng tự nhiên. 

Ngoài việc để mất rừng, đất rừng, các công ty lâm nghiệp còn để xảy ra tình trạng người dân tự ý mua bán đất lâm nghiệp trái pháp luật trên lâm phần quản lý. Đơn cử, tại lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (huyện Cư Mgar), có 29 hộ dân tự ý mua bán đất lâm nghiệp với diện tích 70 ha. Kết luận thanh tra còn thể hiện, có khoảng 358 ha diện tích đất lâm nghiệp của Công ty lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bị người dân lấn chiếm để làm nương rẫy, trồng hoa màu.

Ngoài việc để mất đất, rừng, Kết luận thanh tra cũng thể hiện, có một số công ty lâm nghiệp còn chưa đóng tiền thuê đất, chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Trong đó, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Ja Wầm chưa chủ động đề xuất với cơ quan chức năng lập thủ tục ký hợp đồng thuê đất, thuê rừng để có cơ sở thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. 

Còn Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’leo chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước từ năm 2009 đến thời điểm thanh tra vì chưa thống nhất được đơn giá thuê đất và chưa ký hợp đồng với Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk. 

Tương tự, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy cũng chưa ký hợp đồng với Sở TN&MT, chưa thực hiện trả tiền thuê đất đối với diện tích hơn 105 ha đất nông nghiệp được cho thuê vì chưa thống nhất được đơn giá; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Mơ chưa thực hiện ký hợp đồng với Sở TN&MT đối với diện tích hơn 17.600 ha diện tích đất rừng; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ya Lốp chưa ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT đối với diện tích hơn 7.000 ha đất rừng sản xuất. 

Trường hợp khác là Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea H’Mơ, đơn vị này cũng chưa ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích hơn 17.000 ha diện tích đất rừng. Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ya Lốp chưa ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích hơn 7.000 ha diện tích đất rừng sản xuất được cho thuê. Còn Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Wing, đơn vị này còn nợ tiền thuê đất gần 300 triệu đồng từ thời điểm đầu năm 2011 đến cuối năm 2015. Ngoài ra, công ty này cũng chưa nộp tiền thuê đất trồng cao su trong năm 2016. 

Nhập nhằng việc giao khoán

Ngoài việc chỉ ra những sai phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, Đoàn thanh tra cũng làm rõ những thiếu sót trong công tác quản lý rừng trồng, công tác giao khoán cây trồng tại các công ty lâm nghiệp. 

Đơn cử, tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Wing, đơn vị này ký hợp đồng thuê hơn 3.407 ha đất từ năm 1993-2043 để trồng rừng, chăm sóc rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên và trồng cây cao su. 

Sau này, công ty đã thực hiện giao khoán gần 2.400 ha đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên cho 14 nhóm hộ; giao khoán đất trồng cây cao su cho 66 hộ với diện tích 170 ha. 

Từ năm 2002 - 2005, công ty này đã ký hợp đồng giao khoán 170 ha cao su với thời hạn 50 năm cho 66 hộ dân. Lúc đầu, các hộ nhận khoán chấp hành nghiêm việc chăm sóc, khai thác và bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, từ năm 2006, có một số hộ không thực hiện việc nộp sản phẩm nhận khoán vườn cao su về cho công ty, thậm chí có hộ còn bất hợp tác. Do không thu được sản phẩm từ các hộ nhận khoán vườn cao su nên công ty lâm nghiệp Buôn Wing không có khả năng trả nợ vốn đã vay của Qũy Đầu tư và Phát triển tỉnh Đắk Lắk. 

Đến giữa năm 2013, tỉnh có Công văn cho phép Công ty lâm nghiệp Buôn Wing được chuyển nhượng lại vườn cao su đang giao khoán cho các hộ dân nhằm thu hồi vốn để trả nợ. 

Tiếp đó, năm 2014, UBND tỉnh có Quyết định về việc phê duyệt giá trị chuyển nhượng 18,25 ha vườn cây cao su (đợt 1) của Công ty lâm nghiệp Buôn Wing với giá hơn 3,3 tỷ đồng. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển nhượng cho 09 hộ đang trực tiếp nhận khoán theo danh sách mà UBND tỉnh đã duyệt. 

Thế nhưng, qua kiểm tra vào tháng 12/2016, lực lượng chức năng phát hiện, công ty mới thực hiện chuyển nhượng được duy nhất 1 trường hợp theo Quyết định 2954/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh.

Còn lại, công ty đã thu tiền, chuyển nhượng đối với 5 hộ không có tên trong Quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk, thu hơn 565 triệu đồng là không đúng quy định. Sau đó, đoàn kiểm tra phát hiện, có 2 hộ dân đã chặt bỏ hơn 3 ha cao su để trồng cà phê tại một số vị trí thuộc tiểu khu 545 của công ty quản lý. 

Ai phải chịu trách nhiệm?

Cũng theo kết luận thanh tra tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều có khuyết điểm chung là không thực hiện thường xuyên công tác tuần tra, bảo vệ rừng nên không phát hiện kịp thời các vụ phá rừng. 

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất, rừng tại phạm vi do các công ty quản lý là do lâm phần rộng, lực lượng tuần tra mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp sống quanh bìa rừng còn sống phụ thuộc vào rừng, có thói quen vào rừng canh tác nương rẫy, tình trạng di dân tự do từ phía Bắc vào nhưng thiếu đất sản xuất đã gây áp lực rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp. 

Hơn thế, việc phối hợp hỗ trợ với chủ rừng để xử lý các đối tượng vi phạm lâm luật của chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mực. Khi phát hiện những vụ làm nhà trái phép, một số công ty đã báo cáo nhưng chính quyền địa phươngkhông có biện pháp xử lý. 

Từ những lý do trên, kết luận Thanh tra khẳng định, ngoài trách nhiệm của chủ rừng, còn có trách nhiệm của chính lãnh đạo chính quyền địa phương qua các thời kỳ. 

Cụ thể, đối với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy, trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm trong giai đoạn thanh tra thuộc về ban giám đốc và các cá nhân liên quan. Trong đó, từ giai đoạn 2012-2013 thuộc về ông Lê Văn Dĩ (giám đốc, nay đã chết); từ năm 2013-2016 thuộc về ông Phạm Tấn Viết-giám đốc. 

Bên cạnh đó, chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, chủ tịch UBND các xã Ea Wy, Cư Mốt, Ea, Ral Cư Amung và các cơ quan chuyên môn huyện Ea H’leo cũng phải chịu trách nhiệm trước những khuyết điểm, tồn tại của Công ty lâm nghiệp Ea Wy. 

Việc để xảy ra sai phạm tại công ty TNHH MTV lâm nghiệp Buôn Wing thuộc trách nhiệm của giám đốc công ty này và các cá nhân liên quan nhiệm kỳ từ 2012 đến tháng 10/2016. 

Đối với những sai phạm tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuần Mẫn, trách nhiệm thuộc về ông Hoàng Văn Chuyên (giám đốc) và các cá nhân trong công ty trong giai đoạn thanh tra. Đồng thời, chủ tịch UBND huyện Ea H’leo và chủ tịch các xã Ea Nam, Ea Tir cũng chịu trách nhiệm liên quan.

Mới đây nhất, hai vụ phá rừng được lực lượng kiểm lâm huyện Krông Ana phát hiện vào sáng 13/6 tại tiểu khu 1020, xã Dur Kmăl. Qua kiểm đếm ban đầu, Hạt kiểm lâm xác định, có 0,8 ha diện tích rừng bị phá trắng; trên diện tích này có nhiều dấu xe bánh xích, nhiều cây bị múc gốc, hai bên sườn đồi bị san ủi thành đường…

Ngoài ra, có 23 gốc cây gỗ đường kính từ 20-65cm bị chặt hạ; số cây thân gỗ còn lại tại hiện trường gần 19m3 (trong đó có 51 lóng gỗ tròn từ nhóm 5 đến nhóm 8); và khoảng 10 sitte củi với đường kính từ 10-20 cm, dài 40-80cm. 

Khi mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cách địa điểm phá rừng nói trên khoảng 1km có một số điểm tập kết gỗ tròn và gỗ xẻ. Những điểm này có 34 lóng gỗ, 24 thanh-hộp gỗ xẻ với tổng khối lượng hơn 15m3 gỗ. 

Mục đích các đối tượng phá rừng nhằm lấy đất sản xuất. Sau khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã đưa một số gỗ tang vật về trụ sở UBND xã Dur Kmăl, số gỗ tang vật còn lại trong rừng, hạt đã cử lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt. 

Theo lực lượng kiểm lâm, diện tích rừng bị phá đã được giao về cho UBND xã Dur Kmăl quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, ngoài chủ rừng thì lực lượng kiểm lâm H.Krông Ana cũng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra sự việc trên.