Dân kêu trời vì sổ đỏ bị “cấp khống” cách đây 15 năm?

(PLO) - Mặc dù không có nhu cầu làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nhưng diện tích đất của ông Thôn lại được chính quyền xã tự ý kê khai để cấp cho con trai ông. Chính tình tiết này khiến vụ việc phát sinh nhiều hệ lụy, trở nên vô cùng phức tạp. 
Đại gia đình ông Thôn trên thửa đất bị đổi từ Hương Chữ về Hương An được xã cấp cho con trai ông là Nguyễn Siêu.
Đại gia đình ông Thôn trên thửa đất bị đổi từ Hương Chữ về Hương An được xã cấp cho con trai ông là Nguyễn Siêu.

Tự ý cấp phát sổ đỏ?

Trước năm 1960, ông Nguyễn Thôn (SN 1921, trú tại phường An Hòa, TP Huế) cùng vợ là bà Lê Thị Ngò mua lại 8 sào đất của ông Hà Xuân Châu với diện tích là 4000m2, tọa lạc tại làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Hương Chữ, Thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đến những năm 1978 – 1979, vợ chồng ông Thôn đổ đất làm nhà trên thửa đất trên thì chính quyền xã Hương Chữ lúc bấy giờ lại ngăn cản và đổi cho ông sang thửa đất khác tại xã Hương An, huyện Hương Trà (nay là phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Sau khi nhận thửa đất bị đổi nói trên, gia đình ông Thôn trồng lúa và trồng keo để làm kinh tế. Đến năm 1999, không hiểu vì lý do gì xã Hương An lại đem cấp sổ đỏ thửa đất này cho anh Nguyễn Siêu (con trai ông Thôn), trong khi ông không hề ủy quyền cho Siêu và cũng không đề xuất cấp sổ đỏ với thửa đất của mình. Theo đó, diện tích đất thực tế là 4000m2 nhưng trong sổ đỏ chỉ kê khai là 3800m2.
Khi thấy đất của mình bị xã đem cấp cho con trai, ông Thôn lên xã hỏi thì được trả lời rằng, đất được cấp theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ(?). Theo Điều 6 của Nghị định trên thì: “Đối tượng giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài là nhân khẩu thường trú tại địa phương, kể cả những người đang làm nghĩa vụ quân sự”. Có nghĩa là những trường hợp được cấp đất theo nghị định trên phải là người có hộ khẩu tại địa phương. Thế nhưng, anh Nguyễn Siêu lại không phải là người có hộ khẩu ở đây. 
Theo tìm hiểu của PV, anh Nguyễn Siêu có tên thật là Nguyễn Văn Ngưỡng (tên Siêu chỉ là tên gọi ở nhà), nhưng không hiểu lý do gì mà chính quyền địa phương vẫn sử dụng tên không có trong giấy tờ để cấp đất?
Liên quan đến vấn đề này, anh Siêu, chủ nhân sổ đỏ “bị cấp” cho biết: “Tôi là Nguyễn Văn Ngưỡng tên Siêu chỉ là gọi thường ngày. Thời điểm làm sổ đỏ, tôi không kê khai cũng không đăng ký. Sổ đỏ đứng tên tôi là do cán bộ tại Hương An kê khai chứ tôi không hay biết”.
Đáng nói, việc chính quyền xã Hương An tự ý cấp sổ đỏ cho anh Siêu thuộc thửa đất của ông Thôn không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Thôn mà còn gây thêm nhiều phiền toái, hệ lụy khác. Cụ thể, tháng 8/2014, UBND thị xã Hương Trà ra quyết định thu hồi 3.146,4m2 đất của anh Ngưỡng để xây dựng khu định cư tại Hương An. Tuy nhiên, gia đình ông Thôn đã không đồng ý bồi thường, bởi thực chất phần đất trên thuộc sở hữu của ông Thôn chứ không phải của anh Ngưỡng.
Mong đòi lại đất chính chủ
Sau nhiều năm đi gõ cửa các cơ quan chức năng, tháng 11/2013 ông Thôn ủy quyền thửa đất nói trên cho con trai của mình là anh Nguyễn Văn Tường để làm việc với các cơ quan chức năng. Sau khi được ủy quyền, anh Tường đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để đòi lại quyền sở hữu đất chính chủ cho bố mình nhưng đến nay, sổ đỏ vẫn còn tên anh Siêu.
Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Phan Phước Thìn – Chủ tịch UBND xã Hương An. Theo ông Thìn, thửa đất của ông Thôn có diện tích là 4000m2, nhưng trong quá trình sản xuất nông nghiệp tại thửa đất bị đổi thì ông chỉ làm trên diện tích là 3800m2 nên chỉ cấp sổ đỏ theo đúng diện tích canh tác (?).
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại cấp sổ đỏ cho anh Siêu - người không có tên trong hộ khẩu, ông Thìn cho biết: Tại thời điểm đó người dân địa phương nghe gọi anh Ngưỡng là Siêu nên cấp sổ đỏ mang tên của ông Siêu(?!). “Đội sản xuất thời điểm đó kê khai đất cho anh Siêu vì lúc đó anh Siêu canh tác trên thửa đất đó, hay chở vật liệu lên để làm việc nên cấp cho người tên Siêu?”, ông Thìn cho biết. Khi được hỏi trường hợp của ông Thôn có được cấp lại sổ đỏ theo đúng với diện tích ban đầu và mang tên ông Thôn hay không thì ông Thìn lảng tránh: “Điều này vượt quá thẩm quyền của xã”.
Ông Trịnh Công Tuân – Trưởng ban Tiếp dân thị xã Hương Trà cho biết, trường hợp của ông Thôn không phải là đất của tư nhân mà là đất của Nhà nước giao. “Không có khái niệm đất tư nhân, đất của ông Siêu được Nhà nước giao lại theo Nghị định 64”, ông Tuân khẳng định. 
Trái ngược quan điểm này, anh Tường - người đại diện cho ông Thôn bức xúc: “Từ trước năm 1960 cha tôi đã tự tạo lập thửa đất riêng của mình bằng cách mua lại của người khác, sau đó bị chính quyền xã lúc bấy giờ đổi lại thửa đất này, có xác nhận của chính quyền, thể hiện rõ đất đổi đất, tại sao lại nói thửa đất này được cấp  theo Nghị định 64”. 
Trả lời vấn đề liên quan đến “tên chính chủ” ở thửa đất, theo ông Tuân thì “Nguyễn Siêu tức là Nguyễn Văn Ngưỡng, tên Siêu là tên thường gọi” nên mới cấp cho ông Siêu? Khi được hỏi trường hợp của anh Siêu liệu có được đổi lại sổ đỏ bằng tên ông Thôn hay không thì vị Trưởng ban Tiếp dân cho rằng đất đã bị thu hồi nên không thể điều chỉnh lại được? 
Điều mà gia đình ông Thôn Tmong muốn là phần đất hợp pháp được mang chính tên ông chứ không phải tên người con trai. Bởi nếu tiếp tục như vậy gia đình ông Thôn có đông nhân khẩu, con cái nên sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Theo nguyện vọng của gia đình ông Thôn, khi diện tích đất trên bị thu hồi là phải bố trí lại đất cho gia đình ông để ông phân chia cho các con vì nguồn gốc thửa đất ban đầu chính quyền xã đổi là đất thuộc sở hữu của ông Thôn. Qua sự việc này chúng tôi đề nghị UBND thị xã Hương Trà cần điều chỉnh tên từ anh Siêu sang ông Thôn và bảo đảm lợi ích cho gia đình ông khi thu hồi đất.