Dân “ngắc ngoải” vì khu công nghiệp nhiều năm xả thải trái phép

(PLO) - Bạch Sam nằm giữa hai khu công nghiệp (KCN) lớn của huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên là KCN Minh Quang và KCN Minh Đức, với lợi thế đó xã được đánh giá là có cơ sở thuận lợi để xây dựng nông thôn mới. Niềm mong mỏi về một vùng quê “thay da đổi thịt’’ còn chưa thấy, nhưng những ống khói đen ngòm, nồng nặc mùi hóa chất đang không ngừng xả thẳng vào bầu không khí thì bất cứ ai trong vùng cũng nhận thấy cả.
Sông Cầu Lường chảy qua các xã Bạch Sam, Dương Quang, Nhân Hòa, suốt nhiều năm nay bị các KCN “đầu độc” thành một dòng sông chết.
Sông Cầu Lường chảy qua các xã Bạch Sam, Dương Quang, Nhân Hòa, suốt nhiều năm nay bị các KCN “đầu độc” thành một dòng sông chết.
“Điểm đen” ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân địa phương, hàng ngày khu vực Bạch Sam luôn thường trực thứ mùi hóa chất nồng nồng, âm ỉ lan ra từ các nhà máy giặt mài, chế biến nhựa, sản xuất bánh kẹo và đốt lốp lấy dầu. Chất thải, rác thải được xả ra ngày một nhiều, mức độ ô nhiễm cũng vì thế mà nghiêm trọng. Đáng nói, thực trạng này đang diễn ra nhiều năm nay tại xã Bạch Sam trước sự bất lực của người dân nơi đây. 
Một người dân khoát tay, chỉ ra phía KCN liệt kê: “Hầu hết các các cơ sở sản xuất tại đây đều tự xử lý chất thải rồi trực tiếp xả ra môi trường mà không có sự kiểm soát. Trong đó Công ty in bao bì Toàn Phát, Công ty Thái Hà Hưng đốt lốp lấy dầu xả thẳng khí thải ra môi trường, Công ty sản xuất bánh kẹo Thiên Hà xả thải lòng tráng trứng trực tiếp ra sông, Công ty giặt mài Phương Đông không có hệ thống xử lý nước thải...”
Minh chứng rõ ràng nhất cho sự ô nhiễm này là một “con sông chết” có tên Cầu Lường. Theo đó, con sông này nằm giữa hai KCN, là một nhánh sông Hồng chảy qua các xã Bạch Sam, Dương Quang, Nhân Hòa. Từ bao đời nay, sông Cầu Lường là nguồn cung cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân quanh vùng. Thế nhưng, không dưới 6 năm nay, con sông bỗng trở nên ô nhiễm nặng, không thể dùng để phục vụ công tác tưới tiêu. Các hộ dân hai bên bờ lo lắng cho biết, dùng thứ nước này tưới cây thì cây chết, đổ ra ruộng thì lúa cũng héo úa, năng suất thu hoạch giảm rõ rệt. 
Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Bến chua xót: “Đến vịt ngan thả ra một vài hôm cũng mắc bệnh mà chết. Sông chết đã đành rồi chỉ sợ mạch nước ngầm bị ô nhiễm, nước sinh hoạt hàng ngày mà chứa hóa chất thì đến phải bỏ xứ. Tôi khỏe mạnh thế này mà nhiều lúc còn không chịu nổi thứ mùi nồng nồng từ hóa chất ấy nữa là bọn trẻ. Đợt này nắng nóng tôi gửi chúng ở nhà người bà con vùng khác chứ cứ để bọn trẻ ở đây chúng miễn dịch kém không khéo lại nhiễm bệnh thì khổ”.
Người dân kêu cứu
Cấy lúa ở vùng đất chiêm trũng này vốn là cái nghiệp đã gắn bó suốt bao đời, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, khi nhà máy, xí nghiệp mọc lên mang theo chất thải gây ô nhiễm, những hộ cấy lúa cứ ít dần, bởi cấy lúa chỉ để ‘’lấy công làm lỗ’’ thì cấy cũng chẳng để làm gì.
Kế sinh nhai mất đi, nhưng còn nguy hiểm hơn khi mối đe dọa về sức khỏe cũng bắt đầu manh nha. Phần lớn các nhà máy, xí nghiệp xả khí thải, nước thải vào ban đêm khiến người dân luôn sống trong cảnh mất ăn, mất ngủ. Ban ngày, cứ hễ trời nắng thì mùi hóa chất nồng nặc, còn trời mưa thì không khí càng trở lên ngột ngạt, gây khó thở. Bà Phan Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bạch Sam cho biết: “Mặc dù chưa có số liệu nghiên cứu cụ thể nhưng qua vài năm trở lại đây tỉ lệ mắc bệnh ngoài da, đường hô hấp… tại xã nhà có chiều hướng tăng mạnh”.
Đã nhiều năm nay, hầu hết ở bất cứ cuộc họp hay tiếp xúc cử tri nào, người dân xã Bạch Sam cũng phản ánh, đề đạt nguyện vọng nhiều lần với mong muốn tìm được cách giải quyết tình trạng ô nhiễm nhưng mọi việc vẫn chưa có hồi âm. Chính quyền địa phương chỉ còn biết đề xuất lên trên vì thẩm quyền có hạn, nhân dân thì mỏi mòn từng ngày chờ các ban ngành chức năng xử lý quyết liệt hơn vấn đề này. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com