Đánh người thì mới…oai?!

(PLVN) - Cộng đồng dân cư mạng vừa qua gay gắt phê phán hành vi của một người đàn ông ở Hà Nội đánh cô nhân viên bán vé bể bơi. Nữ nhân viên này chỉ làm phận sự của mình và không có gì sai trái, như vậy, anh ta hành hung cô là vô cớ, là thích khoe sức mạnh cơ bắp và giải quyết khâu oai. 
Người đàn ông ở Hà Nội đánh cô nhân viên bán vé bể bơi.
Người đàn ông ở Hà Nội đánh cô nhân viên bán vé bể bơi.

Bởi ra oai nên anh ta mới tự xưng mình là Công an và thách thức cô báo công an. Thực ra, đây là một người đàn ông có cương vị đàng hoàng, là Giám đốc một chi nhánh ngân hàng. Điều khó hiểu là ở một cương vị như thế thì mạo danh công an làm gì hay trong đầu óc của người đó có vấn đề là công an thì được đánh người?

Liên quan đến câu chuyện công an đánh người thì ngay mới đây, Công an xã ở Cư Mgar (Đắk Lắk) vô cớ lôi 3 thanh niên qua đường vào trụ sở nện cho nhừ tử. Mãi sau mới xác định là đánh nhầm và “kéo” đến nhà nạn nhân xin lỗi. Câu hỏi này được đặt ra bởi đã có không ít các vụ tương tự như thế xảy ra, dù có nhầm hay không nhầm thì cũng không được phép đánh người, đó là một điều hiển nhiên và rõ ràng cả về mặt pháp luật và đạo lý.

Lại có trường hợp vì bênh con mà người cha đến tận trường để hành hung một đứa trẻ bằng tuổi con mình. Nữ nhân viên bán vé trên xe buýt cũng trở thành đối tượng ưa thích của những hành khách thích hành hung, ra điều phách lối và đây cũng không phải là trường hợp cá biệt, đã có nhiều vụ xảy ra như thế.

Sở thích đánh người theo kiểu hội đồng, “hội chợ” đã diễn ra và lặp đi, lặp lại. Một đôi nam nữ thanh niên yêu nhau xảy ra cự cãi trên đường, chàng trai cố níu kéo để cô lên xe về nhà thì bất ngờ cô la: “Bắt cóc!”. Thế là người ta đổ xô lại, đánh không thương tiếc chàng trai khốn khổ kia, cho đến lúc cô gái quỳ xuống van xin thì họ mới hả hê bỏ đi. Đúng là chuyện “cười ra nước mắt”, một tấn bi hài kịch về hành vi ứng xử từ cô gái đến đám đông.

Ở đây không đề cập việc dùng vũ lực của các đối tượng côn đồ hay đòi nợ thuê, của những kẻ đâm thuê, chém mướn và tự đặt mình ra khỏi vòng pháp luật mà nêu lên một hiện tượng là tại sao những người có vị trí nhất định trong xã hội, giàu có, những người đàn ông vẻ ngoài lịch lãm, làm những công việc tử tế hoặc những người thi hành công vụ, cán bộ nhà nước mà lại cực kỳ hung hăng, động tý là đánh người?

Có thể do giáo dục, có thể do môi trường nhưng nguyên nhân chính dẫn tới những hành vi bạo lực, vô văn hóa của những người đó là trong tâm thế của anh ta luôn cho là mình có làm gì đi chăng nữa cũng không ai động đến được mình. Vì thế, câu cửa miệng của những người này là hỏi: “Mày có biết tao là ai không?”.