Đất như vô chủ

(PLVN) - Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) vừa khởi tố một vụ án về việc giang hồ tham gia vào giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn với tội danh “Hủy hoại tài sản”. Đối tượng cầm đầu đã bị bắt giam, vụ án đang được điều tra mở rộng vì những hành vi tương tự của giang hồ không chỉ xảy ra ở một vài trường hợp mà khá phổ biến.
Một lối đi chung bị lấn chiếm xây nhà dẫn đến giang hồ nổ súng.
Một lối đi chung bị lấn chiếm xây nhà dẫn đến giang hồ nổ súng.

Thủ đoạn chung của các nhóm giang hồ ở Đồng Nai là kéo tới những mảnh đất còn mập mờ về pháp lý, ngang nhiên dựng nhà, ngăn cản người vào, tạo ra sự tranh chấp rồi chiếm đoạt hoặc đòi chia phần, hành hung bất cứ ai bén mảng tới khu đất mà những đối tượng này chiếm giữ. Trước đây, tại Hải Phòng, cũng đã từng xảy ra trường hợp tương tự khi giang hồ đất Cảng chiếm cứ và chia phần đất quốc phòng hoặc côn đồ chặt phá cả một vườn chuối rộng lớn của người sử dụng đất và ngang nhiên mở tiệc ăn mừng ngay tại hiện trường.

Bỏ qua chuyện tại sao giang hồ có đất sống, chỉ đặt câu hỏi là chính quyền sở tại quản lý đất đai như thế nào mà để các nhóm người sống “ngoài vòng pháp luật” lại “tham gia vào giải quyết tranh chấp đất đai” - tài nguyên vô giá thuộc “sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”. Đất vô chủ sao mà thỏa sức chiếm đoạt như vậy?

Sự quản lý đất đai yếu kém hoặc buông lỏng đã dẫn đến tình trạng “đất vô chủ”. Các công ty địa ốc ra sức phân lô, bán nền “trên giấy” với các khu đất nông nghiệp, đất công, bãi rác,... thậm chí, trụ sở Công an cũng có trong “quy hoạch bán nền” của họ. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa cưỡng chế 2 “dự án” của Công ty Alibaba là một dẫn chứng cho câu chuyện này. Còn việc lập dự án, chiếm đất vàng rồi bỏ hoang, xây biệt thự rồi cũng bỏ hoang thành “nhà vô chủ”, gây lãng phí rất nhiều cho xã hội thì hầu như đô thị nào cũng có. Lại phải đặt câu hỏi nhà chức trách cùng nhà quản lý đô thị ở đâu?

Gần đây, tại nhiều địa phương liên tiếp có những vụ xử lý các cán bộ có sai phạm trong quản lý đất đai, có người mất chức, có người phải ở tù. Hiện trạng này cho thấy có vấn đề nghiêm trọng trong quản lý đất đai, gây nên khiếu kiện dằng dai và chiếm một tỷ lệ lớn trong lĩnh vực khiếu nại và tố cáo. Cũng vì tranh chấp đất đai mà dẫn đến tình cảnh huynh đệ tương tàn, chém giết lẫn nhau, gia đình ly tán,... Thậm chí đã xảy ra án mạng lớn khi hung thủ nổ súng vào các cán bộ quản lý đất đai.

Hiện trạng này vẫn sẽ tiếp diễn nếu như cứ duy trì việc quản lý đất đai như hiện tại và một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn tiếp tục “làm giàu từ đất”. Bên cạnh việc siết chặt quản lý ra cần có một phương thức quản lý khác đi trong lĩnh vực này!