Đất và cán bộ

(PLVN) - Đất đai là tài nguyên đặc biệt và là nguồn lực cực lớn của đất nước nhưng lại hữu hạn. Cổ nhân đã dạy: “Người sinh đất không đẻ”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính vì thế mà “thời thị trường”, nhờ đất đai mà xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú. Nhưng ngược đời, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn được giao rất nhiều đất đai thì ngày càng “biến mất”, rơi vào túi tư nhân.

Hiện nay, rất nhiều cán bộ có biệt phủ, trang trại, siêu xe, rất giàu, thậm chí giàu nhanh bất thường từ đất. Nhiều cán bộ sự nghiệp đi lên cũng từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn cũng vì “ăn đất”. Đó là các trường hợp đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân. Đáng tiếc, đất đai nằm trong tay cán bộ, trang trại của cán bộ gần như các cơ quan có trách nhiệm chưa nắm hết được.

Lo lắng về điều này, nên chiều 15/6 trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đã dành phần lớn thời gian để nói về những nhức nhối và bất cập liên quan đến đất đai.

Ngoài việc cán bộ “cạp đất” mà giàu, tình hình khiếu kiện, thậm chí án mạng về đất đai đã và đang diễn ra, đáng lo ngại. Nguyên nhân là do chính sách thu hồi đất để giao cho các doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, “lấy mỡ nó rán nó”, lấy đất thanh toán cho doanh nghiệp làm dự án.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, “Vấn đề này lây lan như dịch Covid-19 và cũng chưa có thuốc đặc trị”. Đặc biệt, ông cũng cảnh báo về tình trạng các dự án có thể đứng sau là người nước ngoài tiềm ẩn nguy hiểm về quốc phòng, an ninh. Nhiều dự án có chung thủ đoạn là ủy quyền lòng vòng với mục đích lừa đảo.

Bên cạnh đó, không chỉ tại đô thị mà ở khu vực miền núi đất đai cũng đang sử dụng lãng phí, không hiệu quả. Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng nghìn ha cây trồng lay lắt, hàng nghìn ha đất hoang hóa. “Những điều này là bất hợp lý, gây không ít bức xúc, tiềm ẩn âm ỉ những đốm lửa tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai”, ông nêu quan điểm.

Từ đó, ông đề nghị không hỗ trợ và giao đất không thu tiền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù. Đồng thời cần có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là cần sửa đổi toàn diện Luật Đất đai.

“Không để lọt vào trung ương cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà đất, tài sản không nguồn gốc”, đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Nhưng làm sao để đất đai không làm hư hỏng cán bộ? Đây là vấn đề rất khó, nhưng không thể không làm.