Dấu ấn ngàn tỷ

(PLO) -Dấu ấn trong Ngày giải phóng Thủ đô lần thứ 64 là việc khánh thành và thông xe hai con đường dẫn vào cửa ngõ Hà Nội: Hòa Lạc - Hòa Bình và Việt Trì - cầu Văn Lang - Ba Vì.
Lễ cắt băng khánh thành thông xe cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình
Lễ cắt băng khánh thành thông xe cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

Ưu điểm và nét nổi trội khác biệt là người tham gia giao thông có thể lựa chọn hoặc đi BOT hoặc không vì hai tuyến này hoàn toàn mới, tuy giá không rẻ một chút nào từ 35.000 đồng đến 185.000 đồng cho từng loại phương tiện với con đường chiều dài chưa đến 28 km và 10 km (vì qua cầu nên... đắt).

Rõ ràng, cũng là BOT đấy nhưng có thể đem lại hài lòng cho người dân vì họ có sự lựa chọn, thứ nữa là minh bạch, không có chuyện “cắm” trạm thu phí vào con đường huyết mạch, bắt người ta phải trả giá cả những đường họ không hề đi. Đây có thể coi là kết quả của một quá trình “đấu tranh” chống lại sự phi lý của những tài xế trước đây và là sự tiếp thu cầu thị của những người làm giao thông. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì vẫn còn nhiều bức xúc khi những phi lý ở các trạm thu phí vẫn tồn tại và hầu như nút mức và điểm nghẽn vẫn chưa tháo gỡ được. Lại thêm, con đường cao tốc 34.000 tỷ tại miền Trung vừa đưa vào sử dụng đã chi chít “ổ gà” và được chủ đầu tư lý giải nguyên nhân là “tại cơn mưa đầu mùa”, chứ chẳng có nguyên nhân chủ quan nào cả(?!).

Lại có chỉ đạo khẩn cấp là phải “vá” ngay. Sự cố bong tróc, lún nứt, nổi sống trâu trên các con đường nghìn tỷ không phải là cá biệt và tình trạng này cứ tiếp diễn thì không biết phải chỉ đạo “vá” đến bao giờ. Trong khi đó thì tiền đường cứ thu, quỹ bảo trì cứ phải đóng. Một ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm giới tài xế nức lòng là “đóng cửa các trạm BOT ngay nếu để xảy ra tình trạng đường xấu, hỏng”. Tuy nhiên, cho dù báo chí đã vạch ra một số địa chỉ cụ thể về những con đường xuống cấp nhưng vẫn thu tiền này mà chẳng có Trạm thu phí nào ngừng hoạt động cả.

Hà Nội cũng chưa thể vui trong lĩnh vực giao thông khi mới đây kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án xây dựng đường xe buýt nhanh (BRT) đã lộ nhiều sai phạm từ thiết kế đến thất thoát 42 tỷ đồng không giải trình được, đặc biệt là xe buýt nhanh đã không phát huy hiệu quả như mong muốn và gây bức xúc trong dư luận.

“Tư duy nhiệm kỳ” mong muốn tạo dấu ấn bằng những công trình nghìn tỷ. Song, những công trình đó vì cái gì chưa rõ nhưng dứt khoát không phải vì dân. Ví dụ gần nhất là công trình xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch 1.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm vừa được HĐND TP HCM biểu quyết thông qua đang gây sóng gió trên dư luận.