Đề xuất siêu “Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn”: Liệu có khả thi?

(PLO) - Siêu dự án “Khu du lịch tâm linh Hương Sơn” do doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất đang vấp phải những phản đối mạnh mẽ của cộng đồng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin làm rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong đề xuất Dự án nêu trên. 

Trong văn bản số 212/CV-DNXT ngày 25/7/2018 gửi thành phố Hà Nội, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất dự án 15.000 tỷ đồng với quy mô 1.000ha, đào bới và nạo vét dòng chảy từ Suối Yến sang Tam Chúc 20km. Tuy nhiên, tại văn bản số 315/CV-DNXT ngày 07/11/2018 gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP Hà Nội thì doanh nghiệp này lại đề xuất Dự án với quy mô 1.500ha và đào bới, nạo vét dòng chảy từ Suối Yến sang Tam Chúc 30km, tuy nhiên tổng mức đầu tư vẫn giữ nguyên 15.000 tỷ đồng.

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, quy mô diện tích đề xuất của Dự án “nở ra” gấp rưỡi, trong khi tổng kinh phí đầu tư không thay đổi, đây là điều vô lý, cũng như trong quá khứ, gói thầu nạo vét Sào Khê do doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện đã “nở” từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng (chênh lệch 36 lần). 

Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn do Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất bao trọn các ngả đường vào di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn
Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn do Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất bao trọn các ngả đường vào di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn

Trong lúc ngân sách nhà nước cũng như địa phương còn nhiều khó khăn, tại Văn bản số 315/CV-DNXT ngày 7/11/2018, của doanh nghiệp Xuân Trường gửi Thành phố Hà Nội về việc cho phép đầu tư xây dựng “Dự án du lịch tâm linh Hương Sơn”, doanh nghiệp Xuân Trường “Kiến nghị Nhà nước đầu tư ngân sách giải phóng mặt bằng, đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng và giao đất cho doanh nghiệp, để Doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ đón tiếp”.

Như vậy, việc ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định với báo điện tử Vietnamnet.vn vào ngày 17/12/2018 là “Chỉ gợi ý phương án cho một địa danh có giá trị văn hóa nổi tiếng như chùa Hương để các nhà đầu tư có tâm, tầm cùng làm chứ không phải nhận cho mình” có thể tin được không? 

Tại mục III. Hình thức đầu tư và điểm 2.Diện tích sử dụng đất của Hồ sơ đề xuất, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường quản lý gồm có núi đá có cây (800ha), sông ngòi, mặt nước ao hồ (300ha), khu tâm linh, đền chùa miếu mạo (80ha)… dẫn đến toàn bộ diện tích đất nói trên được Nhà nước giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng bằng vốn ngân sách sẽ được giao cho doanh nghiệp Xuân Trường quản lý, sử dụng, khai thác. 

Việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất Nhà nước giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng các khu tâm linh, khu dịch vụ đón tiếp để thu tiền của người dân, điều này trái với Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015. Đề nghị trên của doanh nghiệp Xuân Trường cũng trái với Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Nghị định của Chính phủ, ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.