Doanh nghiệp, người lao động mòn mỏi chờ giải pháp

(PLVN) - Dịch Covid-19 đã và đang khiến cho nhiều người lao động trong ngành du lịch bị thất nghiệp, mất thu nhập, phải chuyển sang làm công việc ở ngành nghề khác để duy trì sinh kế trong thời gian du lịch “đóng băng”. Doanh nghiệp (DN) và người lao động vẫn đang mong mỏi các đề xuất giải pháp hỗ trợ nhanh chóng đi vào thực tế. 
Tăng cường quảng bá cho hoạt động du lịch qua Internet trong thời gian “ngủ đông”
Tăng cường quảng bá cho hoạt động du lịch qua Internet trong thời gian “ngủ đông”

Nhiều chính sách, kịch bản được đưa ra

Hiện DN, người lao động chỉ mong các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sớm đến và dịch nhanh chóng qua đi để hoạt động của công ty được phục hồi. Lúc đó, người lao động trở lại làm việc và mới mong có thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Theo đề xuất bổ sung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất gói tài chính bổ sung hỗ trợ các DN phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng nhưng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác đã được đưa ra. 

Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất chính sách tài chính hỗ trợ DN vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Với người lao động mất việc làm trong cơ sở lưu trú du lịch, Bộ đề nghị đưa vào diện được hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng giúp người dân gặp khó khăn chống dịch Covid-19 mà Chính phủ đang triển khai.  

Ngoài ra, sẽ có nguồn đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch có áp dụng chương trình đào tạo trực tuyến; hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hạ tầng phục vụ dạy và học trực tuyến; hỗ trợ công tác tuyên truyền, khuyến khích DN du lịch công nhận kết quả học tập và tuyển lao động có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại các cơ sở đào tạo du lịch… Mặt khác, Bộ cũng đề xuất hỗ trợ DN tham gia xúc tiến du lịch quốc gia như hỗ trợ chi phí thị thực, vé máy bay…

Trong trường hợp Việt Nam công bố hết dịch, kịch bản mà Bộ VH-TT&DL đưa ra là ngành du lịch sẽ tập trung vào kích cầu thị trường nội địa cùng các chương trình giảm giá, ưu đãi với sự tham gia của các địa phương, DN.

Về truyền thông, sẽ triển khai các chiến dịch “Du lịch Việt Nam an toàn”. Trường hợp Việt Nam và một số nước châu Á đã công bố hết dịch, có thể áp dụng chương trình: “Việt Nam an toàn và hấp dẫn” (Vietnam NOW - Safety and Smiling). Trong đó tập trung quảng bá tới các quốc gia, vùng lãnh thổ đã công bố hết dịch, đặc biệt chú trọng tới phân khúc du khách MICE, tức du khách công vụ.

Trong trường hợp cả thế giới công bố hết dịch, ngành du lịch sẽ tăng cường hết công suất trong công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông, phát triển sản phẩm du lịch, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai các gói kích cầu với thị trường nội địa và quốc tế…

Như vậy, những gói hỗ trợ này đóng vai trò quan trọng, giúp giảm khó khăn cho cả DN và người lao động trong thời gian “đóng băng” theo chỉ thị cách ly xã hội. Tuy nhiên, để đưa đề xuất vào thực tế còn trải qua rất nhiều nỗ lực, khâu đoạn thực hiện của các bộ, ban, ngành, cũng như chính quyền địa phương. Do vậy, trong thời gian chờ đợi, người dân vẫn phát huy tinh thần “tự cứu” trước để chống chọi với khó khăn.

Tự cứu trước khi được hỗ trợ

Do tác động của dịch Covid-19, nhiều dịch vụ lưu trú du lịch phải đóng cửa, do vậy những người lao động này hiện đang phải kiếm thêm những công việc khả thi có thể làm trong mùa dịch. Nhiều lao động có mức thu nhập trung bình, thường ngày chỉ đủ cho các sinh hoạt gia đình thì nay, khi mất đi thu nhập, họ phải vật lộn để kiếm kế sinh nhai.

Mặt khác, từ khi dịch bệnh bắt đầu, nhiều nhân viên trong ngành du lịch đã tìm các mặt hàng để bán, trang trải tiền sinh hoạt. Có nhân viên khách sạn đi bán dưa hấu, bán khẩu trang, có người lại chuyển sang làm nhân viên trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Họ buộc phải làm quen với những công việc này, thậm chí phải học thêm khóa “hướng dẫn bán hàng online” từ những người có kinh nghiệm trước đó để có thể thu hút được nhiều khách hơn. Nhiều người lựa chọn công việc trông trẻ trong mùa dịch nhưng cũng không thể làm được vì nhiều phụ huynh ngần ngại khi để con tiếp xúc với người lạ. Và không ít người phải rời phố thị về quê làm nông.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch chuyển sang bán hàng online, chạy xe ôm,... để kiếm thu nhập
 Nhiều hướng dẫn viên du lịch chuyển sang bán hàng online, chạy xe ôm,... để kiếm thu nhập

Tại các công ty lữ hành, ban lãnh đạo cũng phải thực hiện cắt giảm nhân lực, cho nhân viên nghỉ việc không lương có thời hạn và thực hiện luân phiên nhau trực ở công ty để đảm bảo duy trì các hoạt động của công ty. Dù những công việc này không phải là công việc mà họ mong muốn nhưng những hướng dẫn viên, nhân viên làm trong ngành du lịch này đều phải chấp nhận làm để họ có thể kiếm thêm thu nhập vượt qua giai đoạn khó khăn. 

Theo các DN du lịch, dù họ rất muốn hỗ trợ cho người lao động đang nghỉ việc vô thời hạn nhưng “lực bất tòng tâm” do hiện nay nguồn thu gần như bằng không. Hiện các DN này vẫn chưa thể tìm hướng đi mới để duy trì hoạt động du lịch bởi diễn biến dịch bệnh vẫn rất phức tạp. Ngành du lịch cũng chưa thể công bố sự điều chỉnh hay kế hoạch nào cho năm 2020 bởi hiện nay, các quốc gia vốn là thị trường khách của Việt Nam đều đang phải vật lộn chống đỡ dịch bệnh.

Trong tình cảnh đó, nhiều DN đang chật vật duy trì hoạt động bằng cách cho nhân viên nghỉ việc có thời hạn, nghỉ việc không lương hay trả lương bằng các sản phẩm như gạo, thực phẩm… thay cho tiền. Có DN phải trích từ nguồn tích lũy hay phải vay vốn ngân hàng để trả lương cho nhân viên.

Theo đại diện của công viên Đầm Sen (TP HCM), tháng này, công ty đang phải trích quỹ dự phòng để trả lương nhân viên nhưng quỹ chỉ dự phòng trong 1 hoặc 2 tháng. Quý I, nhiều khả năng công ty chỉ thực hiện được khoảng 50% chỉ tiêu kinh doanh. Công viên nước lớn thứ 2 TP HCM cũng lên các phương án cắt giảm mọi chi phí có thể như lắp các biến tần để bơm nước ít nhưng khi có khách tham gia trò chơi thì bơm đúng chuẩn. 

Trong khi đó, nhiều DN kêu gọi nhân viên, cán bộ chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều tiếp viên làm toàn thời gian của Hãng hàng không Vietnam Airlines tình nguyện làm việc không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng một tháng).

Thậm chí lãnh đạo cấp cao cũng đang cơ cấu lại lương tạm thời để hạn chế tối đa chi phí. Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự tự nguyện này được xem như tinh thần “sức mạnh bó đũa”, là động lực giúp hãng vượt qua khó khăn.

Thực tế cho thấy, người lao động, DN vẫn đang mong chờ những đề xuất giải pháp từ chính phủ. Thậm chí, họ luôn ở trong tư thế chuẩn bị, chỉ cần có chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng, các nhà chức trách, họ có thể phối hợp, hành động ngay. Mong muốn chung của toàn ngành du lịch hiện nay chính là được trở lại với nhịp sống sôi động như trước đại dịch. Đó là giai đoạn dù có “tất bật ngược xuôi” nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và hy vọng.

Ông Vũ Đình Quân – CEO Bến Thành Tourist: “Chúng ta sẽ không than khóc, phải kìm nén những cảm xúc tiêu cực lại, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, minh mẫn để sẵn sàng hành động, đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nếu cần phải “thắt lưng buộc bụng”, chúng ta sẽ làm, trong đó ban lãnh đạo công ty và các lãnh đạo, quản lý cấp trung sẽ là lực lượng tuyến đầu, mỗi cán bộ, nhân viên cùng chung vai sát cánh tạo nên bức tường bảo vệ đại gia đình Bến Thành Tourist”.

Bà Trần Thị Việt Hương - Giám đốc Trung tâm điều hành hướng dẫn viên Việt Nam: “Tổng số hướng dẫn viên của Trung tâm hiện nay 2.031 người. Trong đó, 108 hướng dẫn viên cơ hữu tối thiểu vẫn làm 12 ngày công/tháng để đảm bảo quyền lợi về các chế độ, 143 hướng dẫn viên ngắn hạn cố gắng duy trì 8 ngày công một tháng để vào chính thức, số hướng dẫn viên còn lại là đội ngũ cộng tác nên không cam kết ngày công”.

Ông Adam Sitkoff - Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam: “Dự kiến, các biện pháp hạn chế di chuyển sẽ ngày càng bị siết chặt, các văn phòng đóng cửa, hội nghị sự kiện bị huỷ bỏ, tình trạng cách ly sẽ phổ biến... tất cả những biện pháp này đang gây đứt gãy quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng nghìn công việc đã biến mất, rất nhiều người bị cắt giảm lương, hoạt động của doanh nghiệp gần như chỉ cầm cự”.