Đủ kiểu lừa đảo - chính quyền ở đâu?

(PLO) -Ngoài những vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ của các công ty tiền ảo, đa cấp ra còn nhiều vụ lừa đảo để chiếm đoạt tiền của người dân mà đến khi vụ việc vỡ lở thì cơ quan chức năng mới biết, còn chính quyền thì bất lực.
Hình minh họa
Hình minh họa

Ngay tại lĩnh vực giáo dục, câu chuyện một công ty nước ngoài thông qua một trường học nhận “đào tạo quốc tế” rồi không thực hiện cam kết thì mới đây, tại Hải Dương xảy ra chuyện công ty có tên Quốc Cường thu hàng trăm triệu từ phụ huynh để “hỗ trợ phần mềm đào tạo từ xa” rồi biến mất, ngay cả cái trường cho công ty này vào tiếp xúc với học sinh cũng chẳng biết công ty này ở đâu.

Học lái xe cũng bị lừa đảo, tại Bình Dương, nhiều người tụ tập trước một Trung tâm dạy lái xe để đòi tiền người chủ của Trung tâm này đã thu của họ 6 triệu đồng nhưng rồi không thấy ông ta đâu cả.

Tại Vũng Tàu, nhiều người cũng kéo đến trụ sở Công ty Sao Vàng với biểu ngữ trên tay đòi tiền bà chủ công ty đã ẵm của họ 700 tỷ, hứa hẹn với lãi suất cao, đầu tư vào dự án này nọ nhưng kết quả không có gì. Công an đã khởi tố vụ án này từ tháng 2/2018 nhưng cho đến giờ tiền của các nhà đầu tư vẫn biệt vô âm tín.

Khốn khổ nhất là những người nghèo gửi tiền chắt bóp của mình vào các Quỹ tín dụng nhân dân, đã chẳng thu được đồng lãi nào mà nguy cơ mất trắng hiển hiện. Điển hình là ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), dân nghèo được vận động gửi tiền vào Quỹ tín dụng nhân dân Hoằng Đồng và Quỹ này cho vay sai quy định, cán bộ đã vào tù nhưng 4 năm qua người gửi tiết kiệm kêu cứu thảm thiết nhưng đều chìm vào vô vọng.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (nơi cấp phép thành lập Quỹ tín dụng) tỉnh này cho báo giới hay, rất “thông cảm, chia sẻ” với đồng bào nhưng không thể làm gì được. Ông cho rằng, việc xử lý hậu quả này nằm ngoài khả năng của Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Trung ương, chỉ có thể tập hợp tình hình trình Chính phủ, Chính phủ trình Bộ Chính trị xử lý. Một việc xảy ra ở xã mà phải Bộ Chính trị xử lý thì quả là để đòi lại số tiền tiết kiệm, bà con nghèo khó vượt nổi một quãng đường dài “đúng quy trình” như thế!

Hồi cuối năm ngoái, một loạt Quỹ tín dụng nhân dân ở Đồng Nai cũng tự dưng đóng cửa. Một trong những giám đốc của các quỹ đó ôm 50 tỷ đồng của bà con rồi biến ra nước ngoài, chính quyền sở tại đành bất lực “nhìn theo”.

Đủ kiểu lừa đảo, công khai và âm thầm, thực và ảo, đúng luật và lách luật đã diễn ra và còn tiếp tục diễn ra. Người có “nợ xấu” với ngân hàng chỉ vài triệu đã có thông tin đầy đủ trên hệ thống để không được thực hiện các giao dịch của mình nữa. Chặt chẽ như thế đối với người vay nhưng lại thả nổi sinh mạng tài chính của người gửi, làm vậy có nên, đặc biệt là với những người nghèo sập bẫy các Quỹ tín dụng nhân dân?