Dư luận 'nóng rẫy' nghe chuyện nạo vét Hồ Gươm

(PLO) - Ngay sau khi biết Hà Nội có chủ trương nạo vét Hồ Gươm, nhiều ý kiến 'nóng rẫy' lo ngại. Dẫu biết rằng, Hồ Gươm đang ô nhiễm trầm trọng...
Ảnh báo Dân trí
Ảnh báo Dân trí

Những vụ cá chết, ô nhiễm hồ liên tiếp trong thời gian gần đây cho thấy hệ thống ao hồ của Hà Nội đang ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo một công bố mới đây của Công ty Thoát nước Hà Nội, hiện môi trường nước của Hồ Gươm đang bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều vị trí, nước trong hồ chuyển sang màu đỏ, mật độ tảo lớn, độ PH luôn ở mức cao, hàm lượng BOD, COD gấp gần hai lần so với quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, lòng hồ bị bồi lắng lớp bùn dày từ 0,4 m đến 1,06 m chứa nhiều kim loại nặng và khí độc… ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật dưới hồ.

Từ thực trạng trên, Hà Nội dự kiến trong thời gian tới sẽ nạo vét toàn bộ bùn ở Hồ Gươm, xử lý nước bằng chế phẩm Redocy-3C và bổ cập thường xuyên nước vào trong hồ.

Ngay sau khi có thông tin này, dư luận bỗng trở nên “nóng rẫy”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đề xuất này được triển khai sẽ phá vỡ hệ sinh thái đặc trưng. Chưa hết, có chuyên gia còn khẳng định, chế phẩm Redocy-3C vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên khi “áp dụng” vào Hồ Gươm cần hết sức thận trọng. Nói cách khác, chế phẩm có tính tương tác có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.

Còn nhớ, các ý kiến tranh luận, bàn cãi tương tự cũng từng xảy ra cách đây hơn 10 năm khi Hà Nội tiến hành nạo vét, thay nước Hồ Gươm. Có thể nói, những ý kiến trên là cần thiết và xuất phát hoàn toàn từ tình yêu với Hà Nội. Tuy nhiên, sẽ thiếu sót nếu như không nhìn nhận vấn đề trên bình diện rộng hơn. 

Chắc hẳn ai cũng biết, Hồ Gươm rộng 12ha, nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), hồ không chỉ có chức năng trữ nước mưa, điều hòa khí hậu cho khu vực, mà còn là một thắng cảnh của Thủ đô, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của người dân, một điểm du lịch hấp dẫn đối với các du khách. Tuy vậy, từ lâu Hồ Gươm đã mất khả năng tự làm sạch, chất lượng nước hiện suy giảm nghiêm trọng. Nói cách khác, Hồ Gươm hiện chẳng khác nào một “chậu nước” tù túng đầy váng đọng. Thế nên, hoạt động cải tạo là việc hết sức cần thiết.

Lại nói về chế phẩm Redocy-3C, trước khi sử dụng chế phẩm này, một số hồ Hà Nội đã được xử lý bằng công nghệ của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Việt Nam song giá thành đều cao hơn gấp nhiều lần sử dụng Redocy-3C. Thêm vào đó, Redocy-3C có ưu điểm là sau khoảng 24 giờ phun rải, nước hồ đã có thể được làm sạch, giảm hàm lượng kim loại nặng và tăng lượng ôxy trong nước để thủy sinh phát triển. Việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Redocy - 3C ở gần 80 hồ khu vực nội thành bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Các chỉ tiêu hóa học giảm mạnh và đạt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, việc xử lý ô nhiễm không ảnh hưởng tới hệ sinh học trong nước hồ. Dẫn như vậy để thấy rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, chế phẩm trên tương đối khả quan, có thể áp dụng thử nghiệm bước đầu vào xử lý ô nhiễm ở Hồ Gươm.

Hiện rất nhiều hồ thuộc khu vực nội thành, tình trạng xả thải, xả rác trực tiếp vẫn còn khá phổ biến. Thiết nghĩ, về lâu dài, cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa, giải quyết triệt để tình trạng xả thải trực tiếp xuống hồ. Người dân cũng cần có ý thức giữ gìn bảo vệ, không xả rác bừa bãi xuống hồ vì môi trường sống của chính mình và của cả Thủ đô nghìn năm văn hiến.