Dùng tên Đức Phật để đặt cho một chốn chơi bời đã dấy lên sự phẫn nộ của người dân

(PLVN) - Sự việc một chốn ăn chơi ở Sài Gòn lấy tên Đức Phật để đặt và nhiều trường hợp khác làm dấy lên mối lo ngại về cách kinh doanh đề cao sự độc, lạ nhưng lại đi ngược truyền thống văn hóa.
Hình ảnh Phật được trang trí tại bar Budhha.
Hình ảnh Phật được trang trí tại bar Budhha.

Dùng tên Đức Phật gắn vào chỗ ăn chơi

Sau khi sự việc nam phi công bị dương tính đến ăn nhậu tại quán bar Buddha ở quận 2, nhiều hình ảnh rò rỉ trên mạng xã hội đã cho thấy không chỉ lấy cái tên Buddha để đặt cho bảng hiệu, quán bar này còn sử dụng hình ảnh Đức Phật ở rất nhiều không gian của quán.

Theo tìm hiểu trên fanpage chính thức của quán bar này mà hiện nay đã tạm đóng trang, hình ảnh Phật và các vị Bồ tát được trang trí ở rất nhiều góc trong quán. Từ tường quán, các bàn ghế ngồi, kể cả trong nhà vệ sinh. Bên cạnh tượng Phật, hình Đức Phật còn có các Pháp cụ, Pháp khí như chuông, mõ cũng được vận dụng để trang trí cho khách ăn nhậu.

Tên chính thức của Buddha bar là Buddha Bar and Grill, có nghĩa là “Quán rượu và thịt nướng mang tên Phật”, không chỉ thế, theo các thực khách từng đến quán bar này thì quán gồm nhiều hoạt động như kinh doanh rượu, thức ăn, giải trí như nhảy múa, dịch vụ chơi bi-da.

Hình ảnh thể hiện trên fanpage của quán bar cũng cho thấy các tượng Phật, phù điêu, hình ảnh Phật trên các bức vách và phía trước các tượng này là Tây ta lẫn lộn, ăn mặc hở hang, đang uống rượu và nhảy múa, một hình ảnh hết sức phản cảm. Đó còn chưa kể đến việc quán bar này tổ chức một sự kiện rầm rộ tụ tập đông người trong thời điểm dịch bệnh, bỏ mặc các khuyến cáo.

Việc sử dụng hình ảnh, tên Đức Phật để đặt cho một quán ăn nhậu đã làm dấy lên sự phẫn nộ của nhiều người dân, đặc biệt là cộng đồng phật tử. Thời gian vừa qua các trang web Phật giáo và các vị đại diện tôn giáo đã lên tiếng cho rằng đây là một hành động hoàn toàn không nên có và không phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Có thể với phương Tây hình ảnh các lãnh tụ tôn giáo và các pháp khí, pháp cụ vẫn có thể xem là những vật trang trí trong kinh doanh, nhưng đối với truyền thống văn hóa của người Á Đông thì việc sử dụng sai nơi, sai chỗ như thế sẽ gây ra những phản ứng không nhỏ.

Thực tế, 9 năm trước đây, chủ quán bar Buddha ở thời điểm này sau khi bị người dân phản ứng đã bỏ biển hiệu phía ngoài. Đến gần đây, khi thông tin về nam phi công người Anh nhiễm Covid-19 (bệnh nhân thứ 91) cùng hàng loạt người dương tính với dịch bệnh liên quan quán bar, giới Phật giáo tại TP HCM một lần nữa phẫn nộ vì quán không làm đúng cam kết và vẫn sử dụng tên Buddha để quảng bá cho hoạt động kinh doanh.

Tương tự, ở Indonesia, một quán rượu tên Buddha đã bị đóng cửa trước sự phản ứng của người dân. Một số nước Phật giáo như Thái Lan, Lào có quy định rất khắt khe trong việc sử dụng hình ảnh của Phật giáo trong kinh doanh, trong các nơi công cộng của đất nước này có những tấm biển cảnh báo không nên sử dụng hình ảnh của Phật làm vật trang trí, vật tùy thân.

Tương tự, các tôn giáo khác cũng thế, hình ảnh các lãnh tụ tôn giáo luôn được cân nhắc khi sử dụng vào mục đích thương mại tại nhiều quốc gia, nếu không cẩn thận người kinh doanh sẽ vấp phải làn sóng phản đối, thậm chí phải xin lỗi, đóng cửa.

Tạo phong cách cần tôn trọng văn hóa

Thị trường kinh doanh hiện nay đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành kinh doanh ăn uống. Nhiều ý tưởng kinh doanh sáng tạo liên tục ra đời để đáp ứng nhu cầu ham của lạ của giới trẻ. Rất nhiều quán cà phê, quán ăn, trà sữa theo hình thức mới mẻ kì quặc liên tục mọc lên và liên tục dẹp bỏ theo trào lưu. 

Trong số đó có không ít những quán mà cái sự lạ đã đi đến mức độ gần như phản cảm. Ví dụ, tại TP HCM, một quán cà phê trà sữa nổi tiếng ở đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận có tên là Âm Ty. Cái tên đó cũng đủ nói lên cái phong cách mà quán này muốn hướng tới. Quán cà phê Âm Ty khi bước chân vào sẽ khiến thực khách bị choáng ngợp bởi nó được trang trí như một âm phủ thu nhỏ với không gian rùng rợn, ghê sợ. 

Tại đây, thay cho những bộ bàn ghế ngồi là rất nhiều ngôi mộ được xếp lớp bên cạnh nhau khiến người ngồi có cảm giác như ngồi trong nghĩa trang, chung quanh là bia mộ và các bàn cúng giấy tiền, vàng bạc.

Không gian trang trí quanh quán là những dòng chữ màu máu và những hình nhân rũ rượi, cạnh ánh đèn lập lòe, tăm tối gây nên cảm giác ghê sợ cho thực khách. Cạnh cách trang trí đáng sợ, quán cũng tổ chức những chương trình phù hợp với chủ đề của mình như chơi ma sói hay các chương trình kinh dị. 

Không ít ý kiến cho rằng, từ tên gọi cho đến cách kinh doanh đều khá phản cảm và không đem lại cảm giác tốt đẹp cho thực khách. Nhiều địa phương khác như Đắk Lắk, Hà Nội cũng có một số quán cà phê tương tự như quán cà phê Ma ở Đắk Lắk, quán cà phê Linh Hồn ở Hà Nội, các quán này đều kinh doanh đánh vào nỗi sợ hãi cũng như tâm lý hiếu kì của khách. 

Ngoài những yếu tố tôn giáo hay gây sợ hãi, nhiều quán ăn, quán cà phê lại dùng sự hở hang, lộ liễu của thân xác để kích thích người đến ăn. Một quán trà sữa ở Sài Gòn đã sử dụng nhiều thanh niên phục vụ rất điển trai và ăn mặc sexy để quảng bá và kêu gọi khách hàng, tương tự, một quán ăn lề đường ở Hà Nội cũng sử dụng hình thức này một cách táo bạo hơn với nhiều nam thanh niên cởi trần và bưng bê thức ăn.

Trước đó, ở TP HCM cũng xuất hiện nhiều quán nhậu đặt tên phản cảm đã bị cơ quan chức năng xử lý như “Dê Xối Xả”, “Phố Dê” và các tên mang ý nghĩa tục tĩu hơn nữa.

Việc đặt tên quán hay trang trí thế nào, theo đuổi phong cách ra sao là quyền tự do của người kinh doanh, miễn là không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu những cách thức kinh doanh ấy không đem lại lợi ích về mặt tinh thần cho người tiêu dùng, thậm chí còn đi ngược lại với văn hóa của Việt Nam thì cộng đồng cần mạnh mẽ từ chối, cũng như cơ quan chức năng nên có động thái chấn chỉnh triệt để. 

Hòa thượng Thích Gia Quang - Trưởng Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Đó là sự xúc phạm đối với Đạo Phật

Quán bar ấy không phù hợp với tên gọi, lấy tên là Đức Phật để làm tên quán trong khi hoạt động kinh doanh của quán lại không mang ý nghĩa như trong Đạo Phật. Theo ý kiến của tôi, chủ cửa hàng cần phải đổi lại tên quán, thay dỡ các tranh tượng Đức Phật trong không gian quán bằng tranh ảnh khác cho phù hợp.

Việc quán bar hoạt động, kinh doanh vui chơi như vậy mà lấy tên là Đức Phật đó như là sự xúc phạm đối với Đạo Phật, xúc phạm tới Phật tử và những người yêu mến Đạo Phật. Với ý kiến cá nhân, tôi yêu cầu chủ quán bar đổi lại tên này, nếu chủ quán không đổi thì yêu cầu các cơ quan văn hóa, lãnh đạo địa phương vào cuộc xử lý để bảo vệ sự tôn nghiêm và nét đẹp trong văn hóa của Đạo Phật.