Gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức

(PLO) - Nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng chuyển đơn thư lòng vòng giữa các cơ quan của Quốc hội (QH), Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ đã đề nghị Ban Dân nguyện cần quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xử lý lượng đơn thư không để tồn đọng; cải tiến hình thức phân loại đơn thư; gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức.  
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần gắn trách nhiệm xử lý đơn, thư đối với từng cán bộ, công chức.

Hôm qua (6/1), tại Hà Nội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác 2016, triển khai nhiệm vụ 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Tất cả các kiến nghị được trả lời đúng quy định

Báo cáo kết quả công tác 2016, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ban đã tổ chức thực hiện tốt việc tiếp công dân thường xuyên và tiếp công dân phục vụ Kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII và Kỳ họp thứ 1, 2 QH khóa XIV. Qua tổng hợp cho thấy, số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của QH, UBTVQH  hội giảm so với năm 2015 nhưng tỷ lệ công dân đăng ký đề nghị được các cơ quan của QH tiếp tăng so với các cơ quan khác. Điều này cho thấy chất lượng tiếp công dân của các cơ quan của QH đã có nhiều cải tiến, đồng thời sự tin tưởng cũng như vai trò của QH ngày càng được người dân đánh giá cao. 

Đối với công tác giám sát, Ban Dân nguyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Đoàn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại 6 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, đồng thời làm việc với 4 cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về việc giải quyết đơn thư, thư của công dân gửi tới QH do Ban Dân nguyện tiếp nhận, xử lý và nghiên cứu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Về tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, trong năm 2016, tất cả các kiến nghị của cử tri (100%) đã được các cơ quan chức năng trả lời đúng quy định. Tỷ lệ các kiến nghị được xem xét, trả lời và giải quyết dứt điểm tăng so với thời gian trước. 

Kể từ khi Nghị quyết số 1156/NQ-UBTVQH13 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Ban Dân nguyện có hiệu lực (tháng 7/2016) thì số lượng đơn, thư Ban Dân nguyện có trách nhiệm nghiên cứu, xử lý tăng mạnh. Chỉ tính từ 1/7- 30/12/2016 đã có gần 8 nghìn đơn, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2015. 

Cần ứng dụng phần mềm trong xử lý đơn, thư

Thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ của Ban Dân nguyện trong năm 2017, nhiều đại biểu cho rằng, cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo theo hướng sớm có phần mềm kết nối tất cả các cơ quan trong toàn hệ thống, tránh việc mỗi cơ quan có cách giải quyết khác nhau. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương, đây là cải tiến quan trọng, góp phần giải quyết căn bản sự chồng chéo, trùng lặp trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. 

Các đại biểu cũng đề nghị, trong năm 2017, Ban Dân nguyện cần tập trung giám sát đối với những vụ việc cụ thể, có tính chất phức tạp, kéo dài. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn giữa Ban Dân nguyện với các cơ quan của QH, UBTVQH trong việc tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý nhanh, kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến QH theo quy định tại Nghị quyết 1156…

Ghi nhận và đánh giá cao các mặt công tác của Ban Dân nguyện đã làm trong năm qua, đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 1156 của UBTVQH, ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng những kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Phó Chủ tịch QH cũng nhấn mạnh năm 2017, đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, là năm Việt Nam đăng cai diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC,  dự báo số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn ở mức cao, tình hình an ninh trật tự xã hội, thiên tai còn diễn biến phức tạp… Bởi vậy, Ban Dân nguyện cần bám sát thực tiễn, cụ thể hoá nội dung của QH về một số cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong hoạt động của QH. 

Đặc biệt, qua công tác giám sát, Ban Dân nguyện phải đề xuất những vấn đề cụ thể cần cải tiến trong hoạt động giám sát, trong xây dựng báo cáo giám sát bảo đảm chất lượng, phản ánh thực chất giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri; đánh giá việc thực hiện các kiến nghị trong báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp QH cũng như những vấn đề được cử tri kiến nghị nhiều lần; qua đó làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc chậm triển khai hoặc không thực hiện.

“Đề nghị các đồng chí cần quyết liệt, tích cực, chủ động hơn nữa trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xử lý các lượng đơn thư không được tồn đọng, phải cải tiến hình thức phân loại đơn, gắn trách nhiệm xử lý đơn cho từng cán bộ, công chức làm căn cứ đánh giá kết quả công việc và đánh giá phân loại cán bộ”- Phó Chủ tịch QH nêu rõ.