Giải oan - lương tâm và trách nhiệm

(PLO) -Không ai cầm được nước mắt khi đọc về vụ án oan khuất xảy ra từ 40 năm trước tại Tây Ninh. 8 người trong gia đình, họ hàng bị vu cho cướp 5 chỉ vàng và bị bắt, bị tra tấn, nhục hình bắt nhận tội, trong đó có cả những người phụ nữ, họ phải bế con nhỏ vào tù, sinh con trong đó.
Hình minh họa
Hình minh họa

Họ bị giam cầm gần 4 năm từ năm 1979 đến năm 1983 mà không được đưa ra xét xử. Một cán bộ từ Tòa án Tây Ninh chuyển qua làm Phó Viện trưởng VKSND tỉnh này là ông Trịnh Quốc Anh cùng các đồng sự đã lật lại những hồ sơ phủ bụi, phát hiện ra vụ án oan này và ra Quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho những người oan khuất kia.

40 năm mang tiếng là kẻ cướp, 8 con người ấy ly tán gia đình, tha phương cầu thực, có người khi bị bắt mới 18 tuổi, trở về với “thân tàn ma dại”, nhà cửa của ông cha đã bị người ta chiếm mất, có người khi bị bắt đang là bộ đội tại chiến trường Căm-pu-chia về thăm nhà, vừa mang tiếng kẻ cướp và kẻ đào ngũ, có phụ nữ mất gia đình vì tù tội,...

Thế mà, bây giờ mọi việc đã sáng tỏ, ngã ngũ nhưng những người bị hàm oan suốt 40 năm kia chưa hề được một câu xin lỗi. Người duy nhất có Quyết định đình chỉ kiện ra tòa đòi bồi thường thì gặp muôn vàn khó khăn. Thực ra, có bồi thường đến đâu chăng nữa cũng chẳng bù đắp được sự khốn khổ về thể xác và tinh thần cho họ suốt 40 năm qua.

Nhưng, những người có trách nhiệm về vụ oan khuất này, kế thừa công việc của những người tiền nhiệm gây oan khuất đó dường như không động tâm trước thảm cảnh này. Cứ xem diễn biến phiên tòa đòi bồi thường và câu trả lời luật sư “không cần thiết phải trả lời” của Kiểm sát viên tại phiên tòa đó đủ hiểu thái độ này.

Ngược lại, những đồng đội của “nghi can” vụ cướp ở chiến trường năm xưa, các phóng viên báo chí và đặc biệt, thầy giáo Nguyễn Thận - người đi suốt trong vụ án oan Huỳnh Văn Nén, đã có mặt, lên tiếng và tìm mọi cách để gột rửa oan khiên cho những nạn nhân của nhục hình 40 năm trước. Nếu như ông “Bao công” Trịnh Quốc Anh còn sống hẳn cũng sẽ đồng hành với những người này và ở nơi chín suối kia liệu ông có ngậm cười được không trước sự thờ ơ trước oan khuất của những người kế nhiệm ông?

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có văn bản chất vấn Viện trưởng VKSNDTC về vụ việc này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Luật cũng đã tiếp nhận thông tin vụ oan này và đã có văn bản gửi VKSNDTC đề nghị tiến hành kiểm tra để giải quyết quyền lợi hợp pháp, đúng quy định cho những người vô tội bị hàm oan.

Giải quyết những vụ án oan, trả lại danh dự và quyền lợi cho người bị oan cần có lương tâm chứ không chỉ là trách nhiệm!