Hà Nội: Bốn lần bị chặn đơn kiện, Toà án quận Nam Từ Liêm khiến nhà đầu tư nước ngoài phải kêu cứu

(PLO) - Khởi kiện đúng quy định của pháp luật nhưng Công ty TNHH Posco VST  đã 4 lần bị TAND quận Nam Từ Liêm trả đơn theo nhiều cách khác nhau khiến doanh nghiệp này có nguy cơ mất trắng gần 3 triệu USD. Nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc buộc phải kêu cứu Thủ tướng.
Hà Nội: Bốn lần bị chặn đơn kiện, Toà án quận Nam Từ Liêm khiến nhà đầu tư nước ngoài phải kêu cứu

Bốn lần khởi kiện không đến đích

Công ty TNHH Posco VST (Công ty Posco) là doanh nghiệp do nhà đầu tư Hàn Quốc nắm giữ 100% vốn góp, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005 với lĩnh vực chủ yếu là sản xuất và cung cấp các sản phẩm thép không gỉ. Doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường khoảng 240 nghìn tấn thép không gỉ mỗi năm cho thị trường Việt Nam.

Một trong các khách hàng thường xuyên của Công ty Posco khu vực phía Bắc là Công ty cổ phần tập đoàn Thành Nam, có trụ sở tại Toà nhà FLC thuộc quận Nam Từ Liêm. Từ năm 2006 đến năm 2013, Công ty Posco đã cung cấp cho Công ty Thành Nam hàng nghìn tấn hàng. Theo biên bản đối chiếu công nợ do kế toán trưởng của hai doanh nghiệp thì số lượng hàng hoá mà Công ty Posco đã bán cho Công ty Thành Nam đến ngày 28/11/2013 là hơn 166 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Thành Nam còn nợ tiền hàng là hơn 58 tỷ đồng.

Ngày 11/12/2013, người đại diện theo pháp luật của Công ty Thành Nam là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hùng Cường đã có văn bản gửi Công ty Posco đề nghị kế hoạch trả nợ số tiền hàng còn lại trong thời hạn 10 tháng, tính từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2014. Tuy nhiên, Công ty Posco không đồng ý nên đã khởi kiện ra TAND quận Nam Từ Liêm để yêu cầu toà án buộc Công ty Thành Nam phải thanh toán nợ.

Theo biên bản nhận hồ sơ khởi kiện của TAND quận Nam Từ Liêm, ngày 25/3/2014, toà đã nhận đơn khởi kiện của Công ty Posco với các tài liệu chứng minh hai bên có quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá, hoá đơn xác định số nợ phát sinh và biên bản xác định công nợ. Sau 9 tháng “ngâm” hồ sơ, ngày 31/12/2014, TAND quận Nam Từ Liêm đã trả lại đơn kiện cho Công ty Posco vì lý do đương sự không bổ sung tài liệu theo yêu cầu của toà.

Đúng 1 năm sau lần khởi kiện thứ nhất, ngày 5/3/2015, Công ty Posco lại nộp đơn khởi kiện tại TAND quận Nam Từ Liêm, được bổ sung tài liệu xác định địa chỉ đăng ký hoạt động của bị đơn thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm. Lần này, TAND quận Nam Từ Liêm chỉ “ngâm” hồ sơ trong thời hạn 3 tháng. Ngày 30/6/2015, toà tiếp tục trả lại đơn khởi kiện với lý do như lần trước là đương sự không bổ sung nội dung khởi kiện theo yêu cầu của toà.

Sau gần 2 năm khởi kiện mà không vượt được “cửa thụ lý” của TAND quận Nam Từ Liêm, Công ty Posco đã khiếu nại và tiếp tục khởi kiện với hồ sơ cũ. Cuối cùng, ngày 19/10/2015, TAND quận Nam Từ Liêm đã phải thụ lý vụ án này.

Song, vượt qua cửa thụ lý của TAND quận Nam Từ Liêm không có nghĩa là đã thành công để tìm được công bằng. Ngày 18/8/2016, TAND quận Nam Từ Liêm đã ban hành quyết định số 07/2016/QĐST-KDTM đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do nguyên đơn của vụ án này là Công ty Posco đã được triệu tập 2 lần nhưng không đến toà là coi như từ bỏ yêu cầu khởi kiện.

Dòng dã hơn hai năm đấu tranh và mất rất nhiều chi phí để toà án phải thụ lý đơn kiện, nhưng đến ngày được ra toà thì lại không ra, liệu đây có phải là nguyện vọng thực sự của Công ty Posco. Theo đại diện của doanh nghiệp này thì doanh nghiệp hoàn toàn không nhận được thông báo phiên toà của toà án. Những diễn biến từ khi doanh nghiệp khởi kiện đến khi toà án đình chỉ vụ kiện rất không bình thường.

Toà án quận Nam Từ Liêm khiến nhà đầu tư phải kêu cứu

Ba lần khởi kiện đầu tiên không thể về đích bằng một phiên toà, ngày 1/12/2016, Công ty Posco tiếp tục khởi kiện đòi nợ đối với Công ty Thành Nam tại TAND quận Nam Từ Liêm. Sau 1 năm thụ lý, ngày 13/12/2017, TAND quận Nam Từ Liêm đã đưa vụ án ra xét xử.

TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
TAND quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Tại phiên toà ngày 5/1/2018, Công ty Posco tiếp tục yêu cầu toà án buộc bị đơn phải trả số tiền hơn 72 tỷ đồng, trong đó có khoản tiền nợ gốc là hơn 58 tỷ đồng và tiền lãi hơn 14 tỷ đồng. Về phía bị đơn, đại diện của Công ty Thành Nam chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm trả nợ và đề nghị bác bỏ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.  

Sau 4 lần khởi kiện và phải mất gần 4 năm kể từ ngày Công ty Posco nộp đơn kiện lần đầu, những tưởng việc toà án mở phiên toà thì chuyện nợ nần giữa hai doanh nghiệp sẽ được định đoạt bằng một bản án công tâm. Thế nhưng một lần nữa, TAND quận Nam Từ Liêm lại “gây sốc” cho Công ty Posco bằng một quyết định đình chỉ vụ án ngay tại phiên xét xử vì lý do không khác 3 lần trước, đó là đổ lỗi cho Công ty Posco là khởi kiện… muộn.

Theo bản án số 02/2018/KDTM-ST ngày 5/1/2018 của TAND quận Nam Từ Liêm, toà án đã lý giải cho quyết định của mình là việc khởi kiện của Công ty Posco đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật Thương mại. Với lý do này, toà đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực 4 năm nộp đơn kiện của Công ty Posco.

Theo đại diện của Công ty Posco, vụ việc thực sự trở thành hậu quả nguy hiểm đối với doanh nghiệp vì nguy cơ mất trắng gần 3 triệu USD vì lý do mà toà án nêu ra không đúng với những gì đang xảy ra. Việc Công ty nộp đơn khởi kiện ngay khi hai bên không đạt được thoả thuận về tiến độ trả nợ và đã phải nộp đơn kiện đến 4 lần trong 4 năm lại được toà xác định là khởi kiện muộn khi đã hết thời hiệu khởi kiện là chuyện… cười ra nước mắt.

Theo Luật sư Ngô Trung Kiên, ĐLS tỉnh Hà Giang thì cần phải xem xét lại quyết định của TAND quận Nam Từ Liêm vì lý do “hết thời hiệu khởi kiện” do vụ việc này Công ty Posco đã khởi kiện từ năm 2014 và việc kéo dài đến năm 2018 mới thụ lý lại là do lỗi của Toà án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện, toà án phải thụ lý hoặc trả lại đơn. Trong 2 lần khởi kiện đầu tiên của Công ty Posco, TAND quận Nam Từ Liêm đã “ngâm” hơn 12 tháng là vi phạm rất nghiêm trọng quy định của pháp luật. Việc doanh nghiệp phải kêu cứu đến Thủ tướng vì những hành xử bất thường của toà trong vụ án này là dễ hiểu.

Theo phản ánh của rất nhiều luật sư thì chuyện đương sự bị toà “ngâm” hồ sơ hàng tháng, thậm chí hàng năm không phải là chuyện cá biệt. Nếu ngành Toà án thực hiện thanh tra đối với việc chấp hành quy định về thời hạn giải quyết đơn theo quy định của pháp luật, có lẽ có bao nhiêu vụ án mà ngành toà đã thụ lý, sẽ có từng ấy vụ vi phạm. Nhưng việc xảy ra đối với Công ty Posco nghiêm trọng hơn rất nhiều vì vi phạm của toà đã làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh. Hơn nữa, khi rủi ro của doanh nghiệp đến từ cổng toà sẽ làm mất đi niềm tin của nhà đầu tư về sự công bằng.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.