Hà Trung (Thanh Hóa): Đất nông nghiệp bị hủy hoại, chính quyền không hay biết

(PLO) - Chưa được các cơ quan có thẩm quyền giao đất thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà máy nhưng Cty TNHH Công nghiệp và Thương mại Hải Hà (Cty Hải Hà) đã thuê máy móc đến thi công, huỷ hoại hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp. Sự việc kéo dài trong nhiều ngày nhưng chỉ khi được phóng viên phản ánh, chính quyền địa phương mới “tá hoả”?

Hàng nghìn mét vuông đất lúa đang bị “bức tử” ngay trước công sở UBND thị trấn Hà Trung.
Hàng nghìn mét vuông đất lúa đang bị “bức tử” ngay trước công sở UBND thị trấn Hà Trung.
Chưa được giao đất vẫn cứ làm
Theo phản ánh từ một số người dân trên địa bàn huyện Hà Trung (Thanh Hóa), trong thời gian qua, một số máy móc chưa rõ của Cty nào đã vào khu vực Tiểu khu 3 (đối diện với UBND thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung) tiến hành san lấp hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở đây mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. 
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi thấy hàng chục lượt xe ô tô chở đất từ nơi khác đến, đổ vào khu vực trên. Tại đó, nhiều máy ủi, máy lu đang tất bật san phẳng và lu lèn tạo mặt bằng.
Được biết, khu vực trên mới được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương cho Cty Hải Hà thuê đất để thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà máy may. Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có quyết định giao đất nhưng Cty Hải Hà đã cho máy móc vào thi công, huỷ hoại hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp mà theo hồ sơ địa chính năm 2013 thì đây chủ yếu là diện tích đất chuyên trồng lúa nước, cho một hộ dân mượn để canh tác, khi có dự án thì UBND huyện Hà Trung đã ra quyết định thu hồi…
Khi được chúng tôi hỏi, ông Cù Văn Hân - Phó Chủ tịch thị trấn Hà Trung cho biết: “Vấn đề này không nằm bên chuyên môn của tôi, tôi phụ trách mảng văn hóa. Tôi cũng đã nghe lãnh đạo nói là tiếp và cung cấp thông tin cho các anh, nhưng hôm nay thì đồng chí cán bộ địa chính đi Hà Nội. Văn bản có liên quan đến vụ việc này thì đồng chí đó đang cầm. Hôm sau, các anh về làm việc trực tiếp với cán bộ địa chính để lấy thông tin.
Còn ông Đỗ Quốc Đào - Chủ tịch UBND thị trấn Hà Trung thì thừa nhận việc mình không biết việc Cty Hải Hà chưa có đầy đủ thủ tục hồ sơ mà đã thực hiện san lấp. Sau khi phát hiện Cty Hải Hà chưa hoàn thiện hồ sơ, chính quyền địa phương đã yêu cầu dừng việc san lấp và báo cáo về phía lãnh đạo Cty Hải Hà. 
Ông Đào còn cho biết thêm: “Việc san lấp được phía Cty Hải Hà thuê một công ty ở ngoài thị xã Bỉm Sơn vào thực hiện. Thiết nghĩ, Cty Hải Hà vào đây mở nhà máy may cũng là điều tốt vì tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương”. 
Trong khi đó, ông Lê Nguyên Vương, cán bộ địa chính thị trấn Hà Trung cho hay: Cty Hải Hà đã được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương cho thuê khoảng hơn 18.000m2 đất tại huyện Hà Trung (trong đó có hơn 14.000m2 tại thị trấn và hơn 4.000m2 của xã Hà Phong, huyện Hà Trung). Hiện nay, Cty Hải Hà đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin UBND tỉnh Thanh Hoá cho thuê đất. Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định giao đất cho Cty. Diện tích mà Cty Hải Hà đã thuê máy móc vào san lấp vào khoảng hơn 5.500m2 (0,5ha) và các số thửa bị san lấp gồm thửa số 148, 162, 166, 167, 168... 
Trước câu hỏi “chính quyền địa phương đã xử lý như thế nào sau khi phát hiện sai phạm trên”, ông Vương nói, sau khi phát hiện sai phạm, chúng tôi đã yêu cầu dừng việc san lấp trên và gửi văn bản đình chỉ, đồng thời yêu cầu các máy móc ra khỏi khu vực trên. 
Còn khi được hỏi về đơn vị thực hiện việc san lấp thì ông Vương “không xác định được” và cho hay: “Khi xuống lập biên bản đình chỉ thi công thì chỉ làm việc được với người lái máy thuê, còn chưa làm việc được với chủ nên không biết Cty nào thực hiện việc san lấp, và cũng chưa lập biên bản xử phạt hành chính về vấn đề trên”.
Từ những thông tin trên có thể thấy rằng, công tác quản lý và sử dụng đất trên địa bàn huyện Hà Trung còn khá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiêp bị “bức tử”. Nhưng khi sự việc đã xảy ra nhiều ngày và ngay trước mặt công sở UBND thị trấn mà chính quyền sở tại không hề hay biết? Trong khi Chính phủ đã có những quy định rất nghiêm ngặt về việc quản lý, sử dụng và chuyển đổi đất nông nghiệp thì việc quản lý lỏng lẻo trên có điều gì “khuất tất”? P.T