Hậu họa đa cấp lừa đảo

(PLVN) - Phiên tòa ngày 21/12 tới đây do TAND TP Hà Nội mở, xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Liên Kết Việt, là một phiên tòa “lịch sử” khi vụ án có tới hơn 68.000 bị hại. 
Lê Xuân Giang trong lễ kỷ niệm một năm hoạt động của công ty.
Lê Xuân Giang trong lễ kỷ niệm một năm hoạt động của công ty.

Trước khi mở phiên sơ thẩm, tòa đã triệu tập 6.053 bị hại trong vụ án đến tham gia tố tụng và nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác. Dự kiến, tòa Hà Nội phải dựng rạp ngoài trời, lắp đặt màn hình để tạo điều kiện cho các bị hại theo dõi phiên xử.

Theo cáo trạng, 7 bị cáo thành lập điều hành Cty CP tập đoàn thiết bị y tế BQP (không phải viết tắt của Bộ Quốc phòng) và Cty Liên Kết Việt. Trong đó, Cty Liên Kết Việt được cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp với hàng hóa do Cty BQP sản xuất.

Từ tháng 3/2014 - 11/2015, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn gian dối, tạo dựng và cung cấp thông tin sai lệch để tạo lòng tin về hoạt động kinh doanh của Cty Liên Kết Việt và Cty BQP. Các bị cáo tìm mọi cách khiến bị hại nghĩ BQP là công ty thuộc Bộ Quốc phòng; các đối tượng là cán bộ của Bộ Quốc phòng; sản phẩm kinh doanh là sản phẩm liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng, đã được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện TW.

Các bị cáo còn giới thiệu Cty Liên Kết Việt và Cty BQP là những “doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật, có lợi nhuận cao, có nhiều đóng góp với xã hội nên được lãnh đạo Nhà nước, được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao, ghi nhận qua việc được Thủ tướng và UBND TP HCM tặng bằng khen...”. Trong thực tế, các bằng khen, giấy chứng nhận này đều do các bị cáo làm giả.

Sau đó, các bị cáo sử dụng những thủ đoạn gian dối, trái pháp luật để lôi kéo khách hàng bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao như chỉ cần đóng tiền vào Cty Liên Kết Việt, không cần lấy hàng hóa ra để kinh doanh là có thể trở thành nhà phân phối; một người có thể đứng tên nhiều mã hàng…

Các đối tượng còn đặt ra mô hình trả thưởng theo hình kim tự tháp, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước. Số tiền thưởng, tiền hoa hồng hứa hẹn sẽ trả cho các nạn nhân lên tới trên 65% tổng số tiền thu được của chính các bị hại.

Hơn 1.100 tỷ đồng của hơn 68 ngàn người đã “tan thành mây khói”. Trong số các nạn nhân, không ít là những người già, những nông dân, những người thu nhập thấp… Mồ hôi nước mắt, số tiền chắt chiu nhiều năm của họ đã bị nhóm đối tượng chiếm đoạt, “đốt” vào những cuộc “tổ chức sự kiện”, các cuộc ăn chơi, hoặc bị tẩu tán dự đoán khó có thể thu hồi…

Luật pháp đã quy định rất rõ thế nào là lừa đảo, thế nào là đa cấp. Vậy tại sao các đối tượng vẫn có thể ròng rã liên tục gây án gần 2 năm trời, tổ chức những sự kiện lừa đảo “hoành tráng”, gây ra hậu họa kinh khủng? Trước tiên, có thể thấy chính quyền địa phương một số nơi vẫn chưa làm tròn trách nhiệm quản lý địa bàn, phát hiện dấu hiệu tội phạm. Một nguyên nhân quan trọng không kém, đến từ chính các nạn nhân. Quy luật muôn đời xưa nay khó có thứ gì dễ dãi “trên trời rơi xuống”, nhưng không ít nạn nhân đã “hoa mắt” quên mất điều này.