Hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam

(PLVN) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã rất hoan nghênh việc Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, bởi họ đánh giá đã tiến gần hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, góp phần cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng... 
Các đại biểu ấn nút thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi.
Các đại biểu ấn nút thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi.

Với 90,06% số đại biểu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi. Theo đó, BLLĐ sửa đổi vừa được thông qua quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. BLLĐ vừa thông qua cũng bổ sung ngày nghỉ lễ có hưởng nguyên lương cho người lao động.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã rất hoan nghênh việc Việt Nam thông qua BLLĐ, bởi họ đánh giá đã tiến gần hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế, góp phần cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng... Theo ILO, một trong các thay đổi quan trọng nhất trong BLLĐ sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn.

Đánh giá công bằng thì lần sửa đổi này (các lần sửa đổi trước vào năm 1994, 2002, 2006 và 2012) tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động.

Đồng thời, chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện. Một nội dung thay đổi lớn khác là mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

Nhờ có sự tham vấn chặt chẽ, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động giờ đây được quy định rõ ràng hơn, cũng như đã có thêm các quyền và quy trình thể chế mới. Điểm tiến bộ được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp.

BLLĐ sửa đổi cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, cũng như giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.

Trong môi trường quốc tế hội nhập, rõ ràng, việc xây dựng, sửa đổi bất kể văn bản nào ngoài do yêu cầu thực tiễn của đất nước còn phải phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Do vậy, BLLĐ vừa được thông qua thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận. Rõ ràng, không chỉ là vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu (theo lộ trình) mà nhiều vấn đề lớn đã tiến bộ và văn minh.