Hội chứng đòi bồi thường

(PLO) - Một bà bị người làm thuê đè ra giường trong phòng ngủ của bà, kiện ra tòa đòi bồi thường 50 triệu đồng cho danh dự bị tổn thất của mình. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trải qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa án đã không thỏa mãn yêu cầu này. Đơn giản, thiệt hại không đến mức ấy và còn có những lý do khác, ví dụ, việc xảy ra vài ngày sau bà mới tố giác hoặc anh làm thuê cho rằng bà có tình ý với anh ấy bởi có nhắn tin qua lại, biết mình nhầm, bị chống cự quyết liệt anh đã tháo chạy và xin lỗi.

Một cặp vợ chồng kết hôn đã lâu mà chưa có con. Ông chồng quan hệ với người đàn khác, chán nản, người vợ bỏ về nhà ngoại ở. Khi ra Tòa ly hôn, người chồng đề nghị vợ phải bồi thường danh dự cho mình bởi đã có thai với người khác trong thời kỳ hôn nhân, làm cho ông ta bị tổn thất tinh thần. Tất nhiên, Tòa không chấp nhận yêu cầu này mặc dù người vợ thừa nhận mình có thai với người khác nhưng người chồng có tổn thất gì đâu khi chính anh là người ngoại tình trước và gây ra cơ sự này.

Bây giờ, động tý là người ta dọa kiện đòi bồi thường danh dự. Phổ biến nhất là trong làng giải trí, một số người “nổi tiếng” cứ thích gây tai tiếng bằng cách bêu xấu nhau rồi dọa đưa nhau ra tòa như là một phương tiện để tìm kiếm thêm sự nổi tiếng. Thực sự, đó chỉ là những chiêu trò góp thêm tiếng cười cho thiên hạ, khác với tiếng cười mà giải trí lành mạnh mang lại, đó là tiếng cười mai mỉa.

Mới đây, có một doanh nghiệp đòi kiện một luật sư vì đã gây thiệt hại cả về uy tín, danh dự lẫn vật chất cho công ty của họ, số tiền đòi bồi thường lên đến hàng chục tỷ đồng. Thực tế, ông luật sư kia chỉ thu thập các bài báo, tin tức về công ty đó trên trang mạng cá nhân của mình. Hành vi này có gì là bôi xấu, gây hại khi người ta muốn đi tìm và công khai một sự thật?

Ở các lĩnh vực khác và đối với một số người “nổi tiếng” khác thì khi bị đụng chạm đến quyền lợi hay danh tiếng của họ lại có một cách ứng xử theo kiểu đòi lại danh dự cho mình không bắt bồi thường nhưng khẳng định ngay cho người ta là vu khống, ý đồ xấu. Bảo vệ danh dự, uy tín của mình (nếu có) phải bằng cách khác chứ không phải áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên người khác theo kiểu “cả vú lấp miệng em”. Kiểu này thường được áp dụng với sự đe dọa đao to, búa lớn “đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc”, “làm rõ và xử lý”,... Động thái này chỉ làm dư luận thêm bức xúc và người am hiểu thì lịch thiệp cho rằng “xử lý khủng hoảng truyền thông kém cỏi”.

Danh dự, nhân phẩm của một người phải do chính người đó gìn giữ, rèn luyện. Để mất đi, không ai bồi thường được cả, đặc biệt, cái bồi thường đó lại bằng tiền!