Hội nghị chủ nợ của Cty Vifa bị hoãn: Áp dụng sai luật hay quy định không rõ ràng?

(PLO) - Hoãn Hội nghị chủ nợ khi 100% chủ nợ có mặt với lý do chưa xác định được tỷ lệ phần trăm số chủ nợ không có đảm bảo tham dự Hội nghị, nhưng Thẩm phán – chủ tọa lại lấy biểu quyết của chủ nợ về việc cho Quản tài viên bán toàn bộ tài sản đảm bảo. Sự việc đang gây thắc mắc đối với các chủ nợ trong vụ án phá sản doanh nghiệp này.
Cty Tôn mạ màu Việt – Pháp
Cty Tôn mạ màu Việt – Pháp

Đủ điều kiện vẫn không tiến hành Hội nghị chủ nợ

Công ty CP Tôn mạ màu Việt – Pháp (Cty Vifa) nộp đơn xin phá sản, được TAND TP Hải Phòng thụ lý ngày 04/6/2015. Sau khi quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án đã chỉ định Quản tài viên. Quản tài viên đã thực hiện việc kiểm kê, lập danh sách chủ nợ, phân loại chủ nợ theo quy định.

Theo kết quả của Quản tài viên, tài sản còn lại của Công ty Vifa là 81 tỷ đồng. Tổng số nợ của Cty Vifa là 723,703 tỷ đồng, gồm 8 chủ nợ và nợ lương 40 người lao động, gồm nợ có đảm bảo là 460,346 tỷ đồng, nợ không có đảm bảo là 263,357 tỷ đồng, trong đó nợ Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam là 235,105 tỷ đồng, chiếm 89,2% tổng số nợ không có đảm bảo. Nợ lương 40 người lao động là 538 triệu đồng.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê tài sản, lập danh sách chủ nợ và phân loại chủ nợ, TAND TP Hải Phòng triệu tập họp Hội nghị chủ nợ vào ngày 26/5/2016. Tham dự Hội nghị chủ nợ có đầy đủ số chủ nợ và tổ chức công đoàn theo ủy quyền của người lao động (chỉ vắng mặt 03 người lao động không ký giấy ủy quyền).

Xét về tỷ lệ chủ nợ tham dự Hội nghị chủ nợ đạt gần 100% tổng số nợ. Xét về chủ nợ không có đảm bảo tham gia Hội nghị chủ nợ cũng đạt gần 100% chủ nợ không có đảm bảo. Theo quy định tại Điều 79 Luật Phá sản, Hội nghị chủ nợ được tiến hành khi có ít nhất 51% chủ nợ không có đảm bảo tham dự.

Như vậy, Hội nghị chủ nợ ngày 26/5 nêu trên đủ điều kiện tiến hành. Tại Hội nghị 100% chủ nợ đồng thuận đề nghị Thẩm phán tuyên bố phá sản Cty Vifa làm căn cứ cho phát mại tài sản theo quy định của Luật Phá sản.

Tuy nhiên, Thẩm phán – chủ tọa đã đột ngột quyết định hoãn Hội nghị chủ nợ với lý do: Chưa xác định được số chủ nợ đại diện cho tỷ lệ ít nhất 51% số nợ không có đảm bảo để quyết định Hội nghị có đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại Điều 79 Luật Phá sản hay không.

Thẩm phán vẫn cho Hội nghị họp nhưng không thực hiện giải quyết các nội dung theo Giấy triệu tập Hội nghị chủ nợ và nội dung quy định tại Điều 81 Luật Phá sản, thay vào đó Thẩm phán phát cho các chủ nợ phiếu yêu cầu biểu quyết về việc cho Quản tài viên bán toàn bộ tài sản đảm bảo.

Cuối cùng Thẩm phán thông báo hoãn Hội nghị chủ nợ với lý do chưa xác định được tỷ lệ phần trăm số chủ nợ không có đảm bảo tham dự Hội nghị và coi Hội nghị chủ nợ là buổi làm việc với các chủ nợ. 

Lấy quy định nội dung để giải quyết quy định tố tụng?

Thẩm phán giải thích rằng, tài sản đảm bảo của Cty Vifa được kiểm kê có giá trị nhỏ hơn giá trị khoản nợ có đảm bảo, nên có thể một phần khoản nợ có đảm bảo sẽ được chuyển thành nợ không có đảm bảo.

Vì vậy, Tòa án cần cho bán tài sản đảm bảo (theo Điều 53 Luật Phá sản) để thanh toán khoản nợ có đảm bảo trước, thừa – thiếu bao nhiêu mới xác định, phân loại được số nợ có đảm bảo, nợ không có đảm bảo và mới tính được chủ nợ đại diện cho phần trăm số nợ không có đảm bảo như quy định tại Điều 79 Luật Phá sản.

Giải thích này của Thẩm phán đã khiến Hội nghị bất ngờ, và ông Trần Vũ Vương – đại diện được ủy quyền của TCty Lắp máy Việt Nam, vốn là một luật sư có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này – hết sức ngạc nhiên.

Trao đổi với PLVN, ông Vương cho rằng,  Thẩm phán cho hoãn Hội nghị chủ nợ là không đúng Điều 79, Điều 80 Luật Phá sản. “Thẩm phán đã sử dụng giải pháp suy diễn mà không căn cứ vào Luật Phá sản. Theo quy định tại Điều 68 Luật Phá sản, danh sách chủ nợ, phân loại chủ nợ, xác định chủ nợ có đảm bảo, không có đảm bảo được dựa trên hồ sơ tài liệu công nợ, giấy đòi nợ. Danh sách chủ nợ được công khai niêm yết tại Tòa án và gửi cho các chủ nợ. Việc tổ chức Hội nghị chủ nợ phải trên cơ sở danh sách và phân loại chủ nợ đã được lập và niêm yết công khai. Việc tính tỷ lệ chủ nợ dự họp phải dựa trên danh sách này” – ông Vương nói – “Thẩm phán cho rằng phải bán tài sản đảm bảo (theo Điều 53 Luật Phá sản) để thanh toán khoản nợ có đảm bảo, sau đó mới xác định chủ nợ, phân loại nợ làm căn cứ tổ chức Hội nghị chủ nợ là ngược với quy trình tố tụng. Nói cách khác là Thẩm phán đã lấy quy định nội dung (phát mại, thanh toán) để giải quyết quy định thủ tục (tổ chức Hội nghị chủ nợ)”. 

Cần hướng dẫn cụ thể để áp dụng luật thống nhất

Liên quan đến việc thẩm phán yêu cầu chủ nợ biểu quyết cho Quản tài viên bán toàn bộ tài sản đảm bảo, một chuyên gia pháp luật cho rằng, Luật Phá sản không quy định thủ tục các chủ nợ phải biểu quyết cho Quản tài viên bán tài sản, việc Thẩm phán tự ý bổ sung thủ tục này vào quy trình giải quyết đã gây khó hiểu cho chủ nợ.  

“Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Phá sản, Thẩm phán chỉ có quyền cho bán những tài sản có nguy cơ hỏng hóc, bị phá hủy. Còn lại mọi trường hợp bán tài sản phải thực hiện sau khi Hội nghị chủ nợ và có quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Và việc bán tài sản vào thời điểm này sẽ có sự giám sát của Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự để đảm báo tính khách quan, công khai, công bằng” – vị này nói.

Luật Phá sản 2015 đang dần đi vào cuộc sống, có thể có những nhận thức chưa thống nhất. Để tháo gỡ vụ việc cụ thể nêu trên, thiết nghĩ TAND Tối cao – cơ quan quản lý, hướng dẫn xét xử và Bộ Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Phá sản cần có hướng dẫn cụ thể: Việc xác định điều kiện tối thiểu tỷ lệ phần trăm số nợ không có đảm bảo để tổ chức Hội nghị chủ nợ quy định tại Điều 79 Luật Phá sản căn cứ vào đâu? Có căn cứ vào danh sách chủ nợ, phân loại nợ được lập theo quy định tại Điều 67 Luật Phá sản và đã nộp cho Tòa án, niêm yết công khai hay không?”.     

“Là chủ nợ không có đảm bảo lớn nhất, chúng tôi đã trực tiếp đề nghị Thẩm phán chủ tọa triệu tập lại Hội nghị chủ nợ để thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 81 Luật Phá sản” – ông Vương nói - “Theo đó, căn cứ xác định loại chủ nợ để quyết định điều kiện tiến hành Hội nghị cần tính theo danh sách chủ nợ và phân loại chủ nợ đã được lập và niêm yết công khai. Việc bán tài sản chỉ thực hiện sau khi có nghị quyết Hội nghị chủ nợ và quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án để đảm bảo sự giám sát của Viện Kiểm sát và cơ quan Thi hành án dân sự”.