Khách hàng 'tố" Công ty H&P bán bê tông kém chất lượng

(PLO) - Trong hợp đồng của chủ đầu tư yêu cầu công ty TNHH H&P cung ứng bê tông thương phẩm loại mác M300, nhưng trên thực tế công ty này mới đáp ứng chỉ số mác trung bình là 168 thấp hơn rất nhiều lần so với yêu cầu của chủ đầu tư làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình.
Ông Hà Huy Sơn bức xúc phản ánh với PV khi mua phải bê tông kém chất lượng
Ông Hà Huy Sơn bức xúc phản ánh với PV khi mua phải bê tông kém chất lượng

Theo phản ánh của ông Hà Như Sơn (một chủ đầu tư ở tổ 20 thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên): Ngày 05/05/2015 ông đã ký hợp đồng mua của công ty H&P 40m3 bê tông thương phẩm loại mác M250 để thi công công trình nhà ở. Trong hợp đồng này, tại mục 2 điều 5, phần trách nhiệm của bên B có ghi: “Cung cấp bê tông thương phẩm theo đúng thiết kế cấp phối của bên B cung cấp, đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu của bên A…”

Tuy nhiên sau khi đổ sàn tầng 2, ông Sơn nhận thấy: Toàn bộ bê tông do công ty H&P cung cấp cho ông dùng để đổ sàn không đảm bảo chất lượng. Bê tông sau khi đổ rất khó đông và có nhiều tạp chất nổi lên khiến toàn bộ mặt sàn nhà ông có nguy cơ rạn nứt và thấm nước cao. Nhưng khi  gọi người của công ty này đến để kiểm tra lại chất lượng bê tông đã giao, thì chỉ nhận được câu trả lời "lập lờ" rằng công ty sẽ cho người đến kiểm tra nhưng hiện tại công ty không có người nên để lúc khác. Sau đó, công ty cũng cho người đến nhưng chỉ hỏi vài câu rồi bỏ đi không trở lại.
Đặc biệt, liên quan đến chất lượng bê tông, hiện nay có không ít doanh nghiệp đang phải điêu đứng vì mua phải bê tông "rởm" mà H&P cung cấp. Điển hình như công trình siêu thị và văn phòng có địa chỉ tại tổ 11, phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên do công ty TNHH Phương Nhung làm chủ đầu tư.
Ngày 19/06/2015 phòng thí nghiệm LAS- XD của trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khoan trực tiếp lấy mẫu, liêm phong mẫu để thí nghiệm xác định cường độ yêu cầu Ryc theo mục (9.1) - TCXDVN 239: 2006 của 2 mẫu bê tông được lấy từ công trình siêu thị và văn phòng nói trên với mác thiết kế mà chủ đầu tư đưa ra là M300. Tuy nhiên, sau thí nghiệm cho thấy kết quả của cả hai mẫu thí nghiện đều không đạt yêu cầu (chỉ đạt được 168)... Với chất lượng bê tông như vậy không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng của công trình mà còn tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cao khiến chúng ta không thể lường trước được những hậu quả nó có thể xảy ra đối với tài sản lẫn tính mạng của con người. 
Kết quả thí nghiệm bê tông không đạt tiêu chuẩn của công trình
 Kết quả thí nghiệm bê tông không đạt tiêu chuẩn của công trình
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hà – Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng tỉnh Thái Nguyên cho biết: “đối với hai mẫu bê tông nói trên được phòng thí nghiệm LAS – XD:26 của Trung tâm kiểm định chất lượng đưa ra với chỉ số mác trung bình là 168, thấp là 134, một con số quá thấp so với yêu cầu mà chủ đầu tư đưa ra là mác 300”
Ông  Hà nhấn mạnh: Từ trước tới nay các cuộc thí nghiệm tại trung tâm chưa có sự cố nào xảy ra, kết quả thí nghiệm luôn đúng. Máy móc, phương tiện kiểm định của trung tâm được viện đo lường kiểm định định kỳ theo quy định vì vậy có thể khẳng định kết quả trên là hoàn toàn chính xác”.
Theo ông Nguyễn Bá Kiên, chủ đầu tư một công trình xây dựng và cũng là một kỹ sư xây dựng có nhiều kinh nghiệm chia sẻ: “Việc thi công và hoàn thiện một công trình phụ thuộc và rất nhiều yếu tố trong đó bê tông tươi là một vật liệu rất quan trọng. Không thể đổ trần hay đổ cột nếu thiếu bê tông. Tuy nhiên nếu chất lượng bê tông kém sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. Mác bê tông là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của bê tông tươi.”
Đã có quá nhiều bài học xương máu xoay quanh việc thi công và sử dụng vật liệu kém chất lượng, sập nhà hay sập trần vì mua phải xi măng rởm và bê tông kém chất lượng không hề ít. Vụ sập nhà ở Bình Dương hồi tháng 11 năm ngoái là một minh chứng hùng hồn cho việc sử dụng bê tông kém chất lượng. Quay trở lại với vụ việc tại công trình Trung tâm thương mại và văn phòng của công ty Phương Nhung, trong hợp đồng ký kết, mác bê tông chủ đầu tư đưa ra yêu cầu mác 300 nhưng công ty H&P lại cung cấp bê tông mác cao nhất là 168..
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Lâm ( đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Việc làm của công ty H&P có dấu hiệu lừa đảo bởi trên thực tế tại kết luận của bản LAS – XD:26, Trung tâm kiểm định chất lượng tỉnh Thái Nguyên đã cho thấy rõ là chất lượng Mác bê tông do nhà thầu cung cấp có chỉ số rất thấp thậm chí có mẫu thí nghiệm còn không đạt được một nửa chỉ số so với yêu cầu của chủ đầu tư là mác 300. Toàn bộ các chỉ số đó đã được kiểm định bởi các trang thiết bị chuyên ngành hiện đai của Trung tâm kiểm định chất lượng tỉnh Thái Nguyên.
Ở đây, công ty H&P có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng được quy định tại điều 162 bộ Luật hình sự: “ Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này"
Dư luận hy vọng sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và nghiêm minh của Sở xây dựng tỉnh Thái Nguyên để làm sáng tỏ hành vi vi phạm của Công ty H&P. 
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin……