Khâu của dân

(PLVN) - Giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) chậm đã được nói đến từ nhiều năm nay, gần như là bệnh “kinh niên” nhưng thực trạng không được cải thiện bao nhiêu dù Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đốc thúc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tìm hiểu cho kỹ thì thấy, nguyên nhân có rất nhiều và diễn ra trong suốt quá trình triển khai thực hiện VĐTC, từ năng lực của chủ đầu tư, năng lực chuẩn bị dự án cho đến việc giải phóng mặt bằng (GPMB), đấu thầu, triển khai thực hiện dự án, giải ngân. Nghĩa là khâu nào cũng có vấn đề và nguyên nhân của nó.

Vấn đề là trên thực tế có những địa phương, có những ngành đã vượt qua được rào cản thể chế, biết khắc phục những nguyên nhân khách quan để giải ngân tốt, xây dựng được cơ sở hạ tầng vượt trội để phục vụ phát triển. Đã có những địa phương, những ngành giải ngân tốt, chứ không phải như nhau. Địa phương nọ hơn địa phương kia, ngành nọ hơn ngành kia có lẽ ở những người lãnh đạo có tầm và có tâm. Bởi vướng mắc như nhau.

Bất kể dự án nào cũng có nhiều bên tham dự nhưng đều có “khâu của người dân”. Vai trò của người dân trong khâu GPMB là cực kỳ quan trọng. Nếu người dân không đồng thuận thì chắc chắn có vướng mắc, làm chậm tiến độ dự án.

Hiện nay khâu GPMB là khâu vướng mắc nhất, khó khăn nhất, mà nguyên nhân cốt lõi là không thỏa thuận được với người dân, hay nói cách khác là chúng ta không tìm kiếm được phương án phù hợp nhất có thể đối với lợi ích của mỗi người dân có liên quan. Chính quyền không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà phải đi thỏa thuận, đi đàm phán, đi giải thích. Nhất là với những dự án thu hồi đất của dân cho các nhà đầu tư tư nhân làm khu đô thị mới, nghỉ dưỡng sinh thái, resort... thì càng không thể dùng “mệnh lệnh hành chính”, dễ gây bất ổn xã hội. Bài học Thủ Thiêm còn nguyên giá trị, lâu dài.

Lòng dân rất tốt, luôn đòi hỏi minh bạch, công bằng trong đền bù, áp giá; đòi hỏi cán bộ thực thi dự án công tâm, không vụ lợi. Thời buổi đất ngày càng chứng minh là tài sản đặc biệt nhưng đâu đó người dân vẫn sẵn sàng hiến đất, nhường đất cho giao thông, cho các dự án phúc lợi xã hội. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải biết giải thích cho người dân tin rằng việc thực hiện dự án là vì sự phát triển của địa phương, vì lợi ích của dân chúng và có những phương án phù hợp cho lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người dân thì người dân sẽ ủng hộ.

Những người đi đàm phán với dân phải là những người mà người dân tin cậy, những người mà dân tin là nói đi đôi với làm và làm vì lợi ích của người dân, vì sự phát triển của địa phương. 

Chúng ta có một “hệ thống chính trị” từ các đoàn thể, chính quyền địa phương từ cấp tổ dân phố, trưởng thôn cho đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Rất đông và rất mạnh. Đáng tiếc, công tác dân vận chưa tạo sự đồng thuận của người dân. Nếu có cán bộ tốt, “nói là làm” thì chắc chắn dân tin, ủng hộ và đồng thuận trong việc GPMB. Đó là “khâu dân”.