Không thể mượn “bàn tay” pháp luật

(PLO) -Thông tin cơ quan cảnh sát điều tra thu hồi hơn 2,5 tỷ đồng từ ông Cao Toàn Mỹ, "bị hại" trong vụ án Hoa hậu Phương Nga "lừa đảo" đã làm nóng lên trên các trang báo ngày hôm qua
Ông Cao Toàn Mỹ
Ông Cao Toàn Mỹ

Đây là số tiền mà "đồng phạm" Nguyễn Đức Thùy Dung đã "giao nộp để khắc phục hậu quả" và cơ quan điều tra đã giao cho ông Mỹ từ năm 2015. Qua việc này cũng đủ thấy ông Mỹ đã được "ưu ái" đến mức nào, được trả lại tiền trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Một vụ án mà cơ quan tố tụng đã mất rất nhiều công sức, thời gian để làm rõ một hành vi mà dân gian đã phân xử từ lâu: "Bắc thang lên hỏi ông trời/ Hỏi tiền cho gái có đòi được không?".

Tuy nhiên, việc thu hồi này cũng cho thấy pháp luật ngày càng minh bạch hơn trong việc xử lý tài sản được coi là "tang vật" của vụ án. Bài học về "kỳ án buôn lậu gỗ sưa" tại Đà Nẵng còn đó, mãi không thể xử được chỉ vì tang vật hàng tỷ đồng đã bán mất tự bao giờ. Phiên xét xử sơ thẩm lần thứ tư đã khép lại với bản án dành cho các công chức Hải quan và người "buôn lậu" sau hơn 7 năm với những biểu hiện oan sai mà các đại biểu Quốc hội phải đích thân dự phiên tòa thực hiện chức năng giám sát của mình.

Tương tự, có những vụ mà tài sản được coi tang vật của vụ án được trao trả bí mật, nhanh chóng khiến hành trình tố tụng thêm khó khăn, không còn khả năng thu hồi. Ở một chiều hướng ngược lại thì có những tài sản bị thu giữ song người có tài sản không phạm tội thì không được trả lại. điển hình nhất là các vụ bị cho là "kinh doanh trái phép" thu giữ hàng hóa, tiền bạc của người ta rồi để hư hỏng, thất lạc.

Một tình trạng khác cũng đáng chú ý là việc thu giữ tiền bạc, vật dụng mà không có biên bản trong các vụ khám xét khẩn cấp hoặc bắt các vụ đánh bạc. Đã có nhiều đơn thư tố cáo tình trạng này nhưng rất ít trường hợp được giải quyết. Mới đây nhất là vụ Cảnh sát chống ma túy của Công an Hiệp Hòa (Bắc Giang) mặc thường phục, bất ngờ chặn xe ô tô của người đi đường khám xét. Người này tố mất 150 triệu đồng trong xe nhưng câu trả lời là "không có căn cứ". Pháp luật có được tôn trọng không khi những hành xử kiểu này vẫn tiếp diễn, quyền nhân thân và quyền tài sản của công dân không được đếm xỉa đến và bị xâm hại bất cứ lúc nào?!

Cũng có những trường hợp mà Tòa án khá vội vã ra "quyết định khẩn cấp" phong tỏa tài sản trong các vụ án dân sự. Sau đó thì mới thấy mình sai nhưng khó có một lời xin lỗi mặc dù gây tổn hại cho đương sự không ít. Trong khi đó, tài sản do tham nhũng mà có thì lại khó thu hồi vì đã bị kịp thời tẩu tán, sang tên. Thời gian gần đây, việc này đã được khắc phục một phần, hạn chế được việc tẩu tán tài sản khi đã bị phong tỏa, kê biên.