Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn: Nỗi ám ảnh của người dân địa phương

(PLO) - Mặc dù được hưởng tiền độc hại do ảnh hưởng môi trường từ bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), nhưng chẳng thấm vào đâu khi người dân ở đây đang phải gánh chịu hệ lụy vì ngày càng nhiều người mắc các bệnh: Hô hấp, phụ khoa và bệnh ung thư đang tăng lên nhanh chóng do ảnh hưởng từ bãi rác.
Bãi rác Nam Sơn đang là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây
Bãi rác Nam Sơn đang là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây

Ám ảnh… rác

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nằm ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội lâu nay người ta thường nhắc đến với tên gọi bãi rác Nam Sơn. Và khi nhắc tới nó, người ta đều lắc đầu ngao ngán bởi sự ô nhiễm đang ngày đêm hành hạ người dân tại ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn.

Nỗi đau của gia đình bà Đặng Thị Ngâm là điển hình cho hệ lụy từ bãi rác Nam Sơn gây ra, khiến người dân nơi đây không khỏi xót xa. Bà có 7 người con, 4 trai, 3 gái, nhưng bà lại ở với người con trai út là anh Nguyễn Bình Tuân. Tuy nghèo, nhưng gia đình anh luôn đầm ấm, hạnh phúc. Tai họa ập xuống gia đình bà khi căn bệnh ung thư đã cướp đi người chồng cùng vợ chồng người con trai út, để lại cho bà ba đứa cháu.

Do tuổi cao, sức yếu không thể nuôi ba đứa cháu thơ dại, bà đành nuốt nước mắt gửi hai cháu là Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 2004) và Nguyễn Bình Khiêm (SN 2006) là em ruột của cháu Nguyễn Thị Phương Thúy (SN 2000) vào làng SOS. Mặc dù đông con, nhưng ai nấy cũng nghèo khó, nên các con bà Ngâm không thể cưu mang được các cháu mà đành ngậm ngùi nhìn các cháu thơ dại phải gửi vào làng SOS. Và đến khi bà về với tổ tiên, không biết tương lai các cháu sẽ như thế nào?

Được biết, năm 2013, anh Tuân mất vì căn bệnh ung thư phổi khi mới 42 tuổi và hai năm sau vợ anh cũng mất vì căn bệnh ung thư dạ dày khi vừa 38 tuổi. Đầu năm 2016, chồng bà Ngâm cũng theo hai con về với tổ tiên vì căn bệnh ung thư tuyến giáp. 

Sớm có phương án di dời, hỗ trợ...

Từ nhà bà Ngâm ra bãi rác chỉ mấy trăm mét. Vì vậy, nhiều năm qua môi trường tại khu vực nhà bà Ngâm bị ô nhiễm nghiêm trọng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhất là khi trái nắng, trở trời. Gia đình bà Ngẫm cũng nằm trong danh sách những hộ được nhận tiền hỗ trợ môi trường, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được 8000 đồng/người/tháng.

Theo bà Ngâm, số tiền đó không đủ mua khẩu trang. “Nói là hỗ trợ, nhưng đã mấy năm rồi chúng tôi có nhận được tiền đâu. Chỉ mong sớm được chuyển đi khỏi đây càng sớm càng tốt”, bà Ngâm ngao ngán cho biết.

Anh Hoàng Văn Thành (thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn) cho biết: “Người dân chúng tôi quá bức xúc trước việc môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ đầu năm đến giờ liên tục có người chết vì ung thư khiến ai cũng lo sợ, nhiều người chết còn quá trẻ. Không chỉ không khí, nguồn nước ngầm cũng đã bị ô nhiễm nặng. Nếu môi trường ở đây không được thay đổi, sức khỏe và tính mạng người dân chúng tôi luôn bị đe dọa”.

Cuối tháng 5 vừa rồi, do búc xúc mà người dân đã bao vây không cho xe vào đổ rác suốt 3 ngày đêm. Và đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp về đối thoại với người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ. 

Tại buổi đối thoại, người dân đã đưa ra hàng loạt kiến nghị và câu hỏi, trong đó tập trung kiến nghị về nâng mức tiền hỗ trợ về ảnh hưởng môi trường, xây dựng trạm quan trắc theo dõi ô nhiễm không khí, nguồn nước và làm dự án cáp nước sạch cho người dân. Theo đó, Chủ tịch Chung đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn triển khai ngay dự án di dời người dân trong khu vực bị ô nhiễm ở phạm vi 500m. 

Chủ tịch Chung cũng cho biết, thành phố sẽ bố trí đủ ngân sách, vì vậy huyện Sóc Sơn phải làm ngay dự án, làm hạ tầng đến đâu thì thực hiện di chuyển người dân đến đó. Ngay sau buổi đối thoại sẽ chỉ đạo các ngành nghiên cứu nâng mức hỗ trợ cho người dân vùng chịu ảnh hưởng; giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho tất cả người dân vùng ảnh hưởng; giao Sở Xây dựng nghiên cứu thực hiện dự án, tiến hành lắp đặt đường ống nước đến từng hộ dân chưa được cung cấp nước sạch.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận có tình trạng xe vận chuyển rác thải không phải xe chuyên dụng dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong quá trình vận chuyển. Do đó, đến năm 2017, thành phố sẽ đầu tư thay đổi toàn bộ xe chuyên dụng…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn – ông Nguyễn Ngọc Oanh, không dám nói là bãi rác đang gây nên bệnh tật cho người dân, nhưng thực tế môi trường ở đây đang bị ô nhiễm nặng. Có thời điểm, hôi thối quá mức, không thể ngửi nổi. Có xóm ở cạnh bãi rác, ruồi nhặng khủng khiếp mà hiện không có loại thuốc nào diệt được. Người dân bức xúc là điều dễ hiểu. Chẳng thể nào sống mãi trong môi trường thế này. “Tôi kiến nghị lên cấp trên nhiều rồi, nhất là bên ngành y tế”, ông Oanh cho biết.

Về phương án di dời, ông Nguyễn Văn Hiền, quyền Trạm trưởng Trạm y tế xã Nam Sơn cho biết, xã có 6 thôn thì 4 thôn nằm trong phạm vi 1000m, nếu di dời thì phải cả xã bởi phạm vi ảnh hưởng không chỉ trong 1000m mà rộng hơn rất nhiều. Do ô nhiễm môi trường nặng nên người dân xã Nam Sơn mắc bệnh rất nhiều, như: bệnh hô hấp, bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da và mấy năm gần đây, số người mắc bệnh ung thư cũng tăng lên nhanh chóng.

“Trạm y tế nằm cách bãi rác khoảng 800m, nhưng cũng phải xin di dời vì hôi thối. Không hiểu những người dân sống trong bán kính 500m sẽ khủng khiếp thế nào. Tôi thật sự lo lắng cho sức khỏe người dân. Nếu tiếp tục hít thở và uống phải nguồn nước ngầm bị ô nhiễm như hiện nay hậu quả sẽ không thể lường hết được”, ông Hiền cho biết.

Năm 2011, xã Nam Sơn có 33 người chết, trong đó 6 người chết vì ung thư; năm 2012 có 33 người chết trong đó 6 người chết vì ung thư; năm 2015 có 35 người chết, có 10 người chết vì ung thư. Riêng 5 tháng đầu năm 2016 đã có 7 người chết vì bệnh ung thư.