Kiên quyết loại bỏ tham nhũng

(PLVN) - Ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Thêm một cán bộ được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều lĩnh vực công tác “ngã ngựa” là một bài học về công tác cán bộ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngoài ông Tất Thành Cang, giai đoạn 2013 - 2020, nhất là từ 2016 - 2020, trong 80 nghìn cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đáng chú ý, có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, 4 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng…

Phải nói rằng, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN) mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Những “chuyến tàu vét”, câu chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “hy sinh đời bố củng cố đời con” hay tình trạng “hạ cánh an toàn” đã đến lúc phải chấm dứt.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”, ông nói. Chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn, càng phải trọng liêm sỉ.

Thời gian qua, chúng ta đã thực hiện được cả 4 không “không thể, không dám, không cần và không muốn” tham nhũng. Năm mặt công tác PCTN, gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; Phát hiện, xử lý tham nhũng đều được đẩy mạnh và đạt kết quả đáng khích lệ. Trong đó, hoàn thiện thể chế được xem là “gốc” vấn đề, có ý nghĩa phòng ngừa tham nhũng.

Tình hình tham nhũng “vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện”, vì vậy công tác đấu tranh PCTN cần tiếp tục được duy trì, quyết tâm hơn, mạnh mẽ hơn. Kết quả PCTN thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng mở ra nhiều hy vọng lớn, nhất là khi Đại hội Đảng lần thứ XIII không còn xa.