Kinh tế số thời 'hậu Covid-19'

(PLVN) - Có lẽ chưa có “đại dịch” nào gây ra thiệt hại cả về con người và kinh tế như Covid-19. Không chỉ thế, Covid-19 đã làm “đứt gãy”, nếu không muốn nói là phá vỡ chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng Logistics mà phải mất rất nhiều thời gian thế giới mới xây dựng lên được trong không gian hội nhập.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Việc Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký Kết luận số 77 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước là dễ hiểu, do yêu cầu mới.

Về nhiệm vụ, giải pháp dài hạn, Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới hoàn thiện thể chế để khơi thông, giải phóng nguồn lực phát triển, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng chuyển đổi số. Những yêu cầu rất lớn về hoàn thiện thể chế và môi trường pháp luật.

Covid-19 như đã nói, thức tỉnh, buộc Chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu trong các chuỗi giá trị thông qua chính sách ưu đãi về tài chính - ngân sách nhà nước, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác.

Dịch bệnh cho thấy vấn đề an ninh lương thực và nội lực quốc gia có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu và yêu cầu sống còn. Lệ thuộc vào một thị trường là không thể biến “nguy” thành “cơ” được.

Vai trò đầu tàu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa hình thành nên chuỗi cung ứng có tác dụng tạo nên sự linh hoạt, hiệu quả của nền kinh tế trong mọi tình huống.

Tất nhiên, nền kinh tế hội nhập Việt Nam đang cần cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái, nhất là từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ...

Covid-19 đã làm thức tỉnh con người. Dù hiện nay, diễn biến của Covid-19 tại nhiều quốc gia còn phức tạp; nhưng nhiều quốc gia đã cố gắng để tạo lập chuỗi giá trị mới. Chưa bao giờ, nền kinh tế số, quản trị số, ứng dụng thành tựu Cách mạng 4.0 được quan tâm như hiện nay.