Kịp thời là biểu hiện nghiêm minh pháp luật

(PLO) - Gần đây xuất hiện hiện tượng đòi nợ thuê với nhiều hình thức và vỏ bọc khác nhau. Đối với những băng nhóm hoạt động có tính chất xã hội đen, xử sự theo kiểu giang hồ thì việc xử lý theo pháp luật là lẽ đương nhiên và rất nhiều trường hợp tội phạm theo kiểu này đã bị bắt giữ, xử lý. Tuy vậy, những băng nhóm này vẫn không thể triệt tận gốc, tiếp tục hoành hành, dẫn chứng gần đây nhất là một thanh niên “con nợ” bị bắt đi, giết chết và giấu xác ở ven đường.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với các vụ đòi nợ dưới danh nghĩa hợp pháp tức là được thực hiện bằng các công ty đòi nợ thuê thì sự việc phức tạp hơn và để lại những hệ lụy xã hội không nhỏ, dễ dàng biến tướng và hành xử như xã hội đen. Vì thế, TP HCM đề xuất loại bỏ hình thức này là rất có cơ sở, tránh việc lợi dụng pháp luật cho phép để làm liều.

Thực chất, việc đòi nợ thuê phát sinh từ nền tảng đạo lý và pháp luật không nghiêm. Về mặt đạo lý là có vay, có trả nhưng một số người không nghĩ thế, họ không muốn trả mặc dù có thể trả, kể cả mượn tiền từ Nhà nước hay cá nhân với nhau. Về mặt pháp luật, cái vụ chơi hụi, huy động vốn, mượn tiền làm ăn... rồi vỡ nợ được coi như các quan hệ dân sự, mặc kệ các bên giải quyết, nếu cần thì kiện ra tòa.

Trong những vụ này, có nhiều trường hợp có dấu hiệu lừa đảo rất rõ ràng, song không khởi tố vụ án hình sự; Có trường hợp còn bảo vệ cho sự tẩu tán tài sản dưới danh nghĩa “bảo vệ tài sản công dân”. Có thắng kiện ở tòa, được tuyên trả nợ nhưng không bao giờ lấy lại được tiền hoặc được rất ít. 

Đó là những nguyên nhân dẫn đến cách thức đòi nợ theo kiểu giang hồ, ngoài vòng pháp luật. Việc xử lý chậm trễ của các cơ quan chức năng khiến lòng tin vào công bằng pháp luật giảm sút đáng kể.

Những chuyển động trong đời sống pháp luật gần đây cho thấy, tình trạng chậm trễ trong khởi tố các vụ án có dấu hiệu vi phạm hình sự đã được cải thiện. Ví dụ, khởi tố vụ án “bảo kê” ở chợ Long Biên (Hà Nội) với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản” hay vụ hỏa hoạn gần Viện Nhi Trung ương.

Chí ít việc khởi tố này cũng “đánh động” ý thức phòng cháy hoặc tố giác tội phạm của người dân và trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý xã hội, để các hoạt động sặc mùi xã hội đen lộng hành nhiều năm.

Có những vụ tưởng như chìm xuồng như vụ Giám đốc bệnh viện tỉnh Đắk Nông khi bị Thanh tra phát hiện vi phạm trong quản lý tài sản công từ năm 2014 nhưng ông này bỗng dưng đổ bệnh tâm thần và giờ thì Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra vụ việc.

Hoặc, vụ hai nhóm đánh nhau gây náo loạn ở TP Hòa Bình cũng do mâu thuẫn nợ nần xảy ra đêm 8/9 đã khởi tố vụ án và mới đây khởi tố 12 bị can cùng trú tại thành phố này với hành vi “hủy hoại tài sản”, “gây rối trật tự công cộng” và “cố ý gây thương tích”. Có những vụ khởi tố nhanh nhưng xử lý chậm như vụ xét xử dàn lãnh đạo Trung tâm khuyến công tỉnh Sóc Trăng về tội Tham ô xảy ra từ năm 2007, sau gần 10 năm điều tra, giờ mới thành án.

Khởi tố và xét xử kịp thời các vụ án là biểu hiện của sự nghiêm minh pháp luật, sớm ổn định trật tự, trị an xã hội và quan trọng là ngăn ngừa tội ác, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân.