Lạm dụng hình ảnh di sản văn hóa, danh nhân lịch sử trong thương mại: Cần chế tài đủ mạnh

(PLVN) - Các nhân vật lịch sử như bị tạo hình phản cảm trong game; các ca khúc bị chế vô tội vạ để quảng cáo cho một số sản phẩm là những dấu hiệu của việc lạm dụng hình ảnh di sản văn hóa trong thương mại khiến dư luận bức xúc.
Hình ảnh Vua Nguyễn Huệ bị xyên tạc phanh ngực khoe 6 múi.
Hình ảnh Vua Nguyễn Huệ bị xyên tạc phanh ngực khoe 6 múi.

Tạo hình nhân vật phản cảm

Vài tháng qua, dư luận dậy sóng vì màn gọi vốn game “Sử Hộ Vương” trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ" mùa 3 trên truyền hình VTV3. Game thẻ bài “Sử Hộ Vương” là đề tài "hot" nhất trên mạng xã hội nhiều ngày qua.

Đảm bảo pháp luật về di sản văn hóa

Công văn số 836/DSVH-DT vừa được Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL gửi các Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm chấn chỉnh các dự án trong khu vực có di sản và sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trong hoạt động quảng cáo, tuyên truyền.

Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở tăng cường chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trong việc thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư tại khu vực có di sản, đảm bảo pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Về phê duyệt, cấp phép các hoạt động, nội dung tuyên truyền, quảng cáo có liên quan đến di sản văn hóa, cần có biện pháp quản lý, hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng các hình ảnh, biểu tượng di sản văn hóa trên tinh thần tôn vinh được giá trị di sản và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng sở hữu di sản, tránh việc tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung, giá trị của di sản văn hóa, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Bắt đầu từ một dự án năm 2018 của hai Founder Phạm Vĩnh Lộc và Hồ Phương Thảo, “Sử Hộ Vương” là dự án game sưu tập thẻ bài  với cốt truyện được lấy cảm hứng từ những thần tích, truyền thuyết, giai thoại hào hùng của hơn 4.000 năm lịch sử Việt Nam, được ấp ủ và khởi sự từ năm 2017 bởi Công ty Gamize.

Game lấy bối cảnh thời hiện đại, đưa người chơi hóa thân thành một “Sử Hộ Vương” có khả năng triệu hồi các anh hùng, hoặc có thể là những vị thần, những tổ nghề được suy tôn, những người lính, người dân vô danh hay cả ma quỷ dân gian… để tạo thành lực lượng bảo vệ vùng đất quê hương của chính họ.

Game Sử Hộ Vương bị cộng đồng mạng “ném đá” tơi tả bởi tạo hình các nhân vật lịch sử Việt Nam như: Lý Chiêu Hoàng, Quang Trung, Nguyễn Ánh, hay “Bà chúa thơ Nôm”- Hồ Xuân Hương…  với đồ họa nhân vật theo phong cách truyện tranh Nhật Bản. Các thần tượng anh hùng có người tóc nhuộm bạch kim, có người tóc xanh, trang phục xẻ ngực khoe… 6 múi.

Trong khi nhân vật Nguyễn Huệ được tái hiện là một chàng trai tóc ngắn, màu vàng, cơ thể đầy sẹo và khoe cơ bắp, còn Nguyễn Du giống nhân vật lãng tử trong các bộ truyện tranh Trung Quốc, Nhật Bản. “Bà chúa thơ Nôm” - Hồ Xuân Hương mặc váy xẻ.

Không chỉ tạo hình lố bịch, xúc phạm các danh nhân, nhân vật lịch sử của Việt Nam, game Sử Hộ Vương còn bóp méo, xuyên tạc lịch sử. Ví như, trong Sử Hộ Vương, Vua Quang Trung và nhà Nguyễn có "tình cảm sâu đậm”. Chưa kể, trò chơi mô tả thao tác chiến đấu giữa các nhân vật, có thể gây ra cách hiểu sai cho người chơi về các giai thoại, chân dung… của nguyên tác huyền sử/thần thoại.

Trước khi tham gia Shark Tank, “Sử Hộ Vương” đã xuất hiện trên một chương trình khởi nghiệp khác là  “Chinh phục ước mơ” vào tháng 10/2018. Ở chương trình này, Phương Thảo và Vĩnh Lộc cũng đã nhận được những góp ý thẳng thắn, thậm chí có phần gay gắt về hình ảnh của các nhân vật trong trò chơi.

Điều đáng nói, khi bị giám khảo góp ý gay gắt, Phương Thảo và Vĩnh Lộc vẫn bảo vệ quan điểm của mình, cho rằng các giám khảo không hài lòng, không hiểu về trò chơi vì khoảng cách tuổi tác, thế hệ. Đáp lại lời nhận xét này, Phương Thảo hỏi lại với một thái độ gay gắt: "Có anh chị nào đã từng nhìn thấy Nguyễn Huệ thực sự không ạ?".

Chính điều này, cộng đồng mạng bức xúc và tẩy chay. Các cộng đồng mạng đều cho rằng, không thể có ai nhìn thấy nhân vật lịch sử cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm nhưng cũng không ai cho phép các nhân vật lịch sử ấy bị “bôi nhọ” khi nhân vật nữ mặc áo dây hở ngực, váy ngắn hở nội y còn nhân vật nam bị nhuộm tóc xanh đỏ, phanh ngực khoe 6 múi… 

Các nhân vật lịch sử tạo hình phản cảm.
 Các nhân vật lịch sử tạo hình phản cảm.

Về vấn đề này nhà văn hóa Nguyễn Sơn nhận định: “Nhân vật lịch sử hàng trăm năm, hàng ngàn năm được hậu thế vinh danh, không thể để ai muốn vẽ gì thì vẽ. Thế hệ trẻ có quyền sáng tạo ra sản phẩm mới để kinh doanh nhưng không thể mang các anh hùng, nhân vật lịch sử ra để xuyên tạc, làm méo mó, phỉ báng, “làm trò mua vui” cho thiên hạ được. Đây là điều cấm kỵ.

Một game giáo dục lịch sử thì phải tôn trọng toàn bộ giá trị lịch sử. Nếu muốn sáng tạo nhân vật thì không được dùng tên của các nhân vật lịch sử. Lâu nay, những sản phẩm giải trí, nghệ thuật liên quan đến lịch sử, cổ phục... từ phim ảnh đến truyện, tiểu thuyết... luôn là đề tài được công chúng quan tâm. Đổi mới trong cách tiếp cận lịch sử của các bạn trẻ được khuyến khích, nhưng không ai cho phép các bạn trẻ phá nát lịch sử”. 

Chế ca khúc để quảng cáo sản phẩm

Thời gian gần đây, khán giả xem truyền hình cảm thấy “choáng” khi ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp bị sửa lời thành “phở Hà Nội” trong một số đoạn quảng cáo trên truyền hình.

Cụ thể, clip quảng cáo lấy bối cảnh  ca sĩ Hồng Nhung mặc áo dài đang biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, cất giọng hát: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…”. 

“Nhớ về Hà Nội” là một ca khúc chứa đựng các giá trị văn hóa lịch sử lâu bền của Hà Nội. Bài hát trở nên thiêng liêng trong trái tim của biết bao người, dù có sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hay không. Cải biên lời và dùng những nét nhạc hào hùng đó để quảng cáo cho một món phở gói, lại qua giọng hát của một nữ ca sĩ hàng đầu là Hồng Nhung, rõ ràng chúng ta thấy một sự phản cảm không thể chấp nhận được.

Bài hát đã được kéo thấp xuống so với giá trị thực của nó. Như thế cũng đồng nghĩa với tình yêu của biết bao con người dành cho bài hát, dành cho Hà Nội đang bị tổn thương. Một bài hát kinh điển về Hà Nội bị “lai tạp” như vậy khiến hàng triệu người yêu mến ca khúc đó không khỏi bức xúc. Bài hát chế đã làm hỏng tinh thần và giá trị của bài hát nguyên gốc.

Hồng Nhung hát bài chế Nhớ về Hà Nội để quảng cáo phở Hà Nội.
 Hồng Nhung hát bài chế Nhớ về Hà Nội để quảng cáo phở Hà Nội.

Còn nhớ cách đây hơn 4 năm, cộng đồng “dậy sóng” trước các thông tin, hình ảnh, clip lan truyền về việc một công ty bất động sản chế lời bài Quốc ca để làm... “công ty ca” của mình với nhiều từ ngữ bị cho là dung tục. Với Quốc ca, đó là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Dù chỉ mang tính nội bộ như lời thanh minh của vị đại diện công ty, việc chế lời Quốc ca thành bất kỳ sản phẩm nào cũng không thể chấp nhận được.

Trước đó, một công ty phần mềm nổi tiếng cũng “dính chàm” khi chế nhiều ca khúc cách mạng, nhạc phẩm nổi tiếng của các nghệ sĩ lão thành thành những bài nhạc chế mang tính dung tục.  Bị dư luận phản ứng, đích thân đại diện lãnh đạo của đơn vị đã phải đến nhận lỗi với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – một trong số các nhạc sĩ có ca khúc chế lời phản cảm.

Việc chế bài hát thành bài quảng cáo đã có thể tăng lợi nhuận công ty nhưng lại có thể kéo lùi... nghệ thuật của tác phẩm nguyên gốc. Ca sĩ và người nghe có thể dễ bị nhầm lẫn lời giữa tác phẩm nguyên gốc và tác phẩm chế. Lẽ đó, sự cảm thụ giá trị nghệ thuật, ý nghĩa bài hát của người yêu nhạc bị “rơi rụng” đi nhiều.

Và những bài hát nổi tiếng đi cùng năm tháng được coi là di sản phi vật thể đều có thể bị “tiêu tan” bởi các nhãn hàng. Nếu tác phẩm của mình bị chế với những lời nhảm nhí, cốt chỉ khoe mẽ, quảng cáo sản phẩm sẽ làm hỏng giá trị bài hát nguyên gốc dù đã được các nhãn hàng xin phép hay trả tiền tác quyền thì các nhạc sĩ ấy khó có thể vui vẻ.

Lâu nay, một số nhà làm kinh tế thường chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận. Xây dựng triết lý kinh doanh, văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh bị coi nhẹ, nếu như không muốn nói là bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp.

Văn hóa kinh tế càng ít được đề cập. Câu chuyện văn hóa doanh nhân - văn hóa của người làm kinh doanh cũng ít được quan tâm. Sự quan tâm của người làm kinh tế gần như chỉ là làm sao kiếm được lợi nhuận thật nhiều. Và các di sản vật thể, phi vật thể, các danh nhân lịch sử Việt Nam sẽ có thể tiếp tục bị làm bôi nhọ, biến dạng dưới “bàn tay nhào nặn” của một số doanh nghiệp, nhà sản xuất thiếu tâm. 

Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL: “Nội dung quảng cáo cần tuân thủ theo sự điều chỉnh của Luật Quảng cáo và các quy định liên quan. Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung quảng cáo có gắn với di sản văn hóa cần phải được nghiên cứu thấu đáo, cẩn trọng trên tinh thần tôn vinh được giá trị di sản và tôn trọng ý nguyện của cộng đồng sở hữu di sản đó.

Mặt khác, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan cũng có quy định về việc tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích. Vì vậy, Cục Di sản văn hóa lưu ý các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng nội dung quảng cáo có gắn với di sản văn hóa cần thận trọng để vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của người Việt Nam”.

PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam: “Các cơ quan quản lý cần phải thực sự thận trọng hơn nữa đối với việc sử dụng các hình ảnh văn hóa của đất nước trong việc quảng cáo.

Văn hóa, trong đó có các di sản văn hóa, là những lĩnh vực nhạy cảm, luôn nhận được sự quan tâm yêu mến của người dân. Quảng cáo sản phẩm đi kèm với quảng bá hình ảnh, biểu tượng di sản không phải lúc nào cũng song hành với nhau, mà ngược lại, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhau, đặc biệt là tạo ra phản ứng của người dân”.

Luật sư Đặng Văn Cường: “Việc sử dụng thông tin, hình ảnh của di sản văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể phải nhằm mục đích tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Việc cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép hình ảnh di sản văn hóa phục vụ cho mục đích cá nhân là điều pháp luật không cho phép, vi phạm điều cấm quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo”

T.Dương – Đ. Trang (tổng hợp)