Làm giàu từ đất

(PLO) - Làm giàu từ đất là cách làm giàu chân chính nhất của người lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên đất đai để mùa màng sinh sôi đem lại những giá trị của thành quả lao động cho mình và cho đời.

Làm giàu từ đất vẫn đúng nghĩa nhưng biến tướng đi rất nhiều khi kinh doanh bất động sản mang lại lãi đậm cho một số người buôn đất song đất vẫn chỉ là đất không mang lại giá trị sinh sôi của cải vật chất cho xã hội.

Vẫn là làm giàu từ đất khi thu hồi đất đai giá đền bù chỉ vài chục nghìn một mét vuông. San ủi và phân lô, bán cho các nhà đầu tư với giá vài chục triệu một mét vuông. Một vốn, bốn trăm lời nhưng tiền đó không vào ngân khố quốc gia mà vào túi cán bộ, số này giàu lên nhanh chóng.

Từ đất mà giàu lên khủng khiếp chính là sự phê duyệt bán đất mà không qua đấu thầu. Một chữ ký của cán bộ lãnh đạo “cho thuê” một khu đất, Nhà nước mất đi 20.000 tỷ đồng thất thoát. Tiền chênh lệch đó hẳn vào túi ai, ai cũng biết nhưng có nói ra cũng bằng thừa, thậm chí còn mang tội vu khống.

Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc, “mặt chuột tham nhũng” lòi ra thì báo chí mới dám đưa tin khẳng định. Tuy nhiên, thu hồi được tiền của “thất thoát” là rất khó. Cho dù phải vào tù thì người giàu vẫn cứ giàu, ăn mấy đời không hết.

Dân khiếu kiện nhiều chủ yếu là về đất. Quan chức ngã ngựa vào “lò” cũng vì đất. Mới nhất, Tòa án TP Vũng Tàu đang xử các bị cáo nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Môi trường và Tài nguyên, Trưởng phòng Quản lý đô thị, cán bộ địa chính - cả một bộ sậu lãnh đạo TP hầu tòa có nguyên nhân từ đất.

Một hội thảo về phòng chống tham nhũng mới đây nêu ra hiện tượng “quan chức giàu rất nhiều” với nguồn gốc tài sản xuất phát từ các hoạt động khác nhau. Tất nhiên là có nhiều quan chức giàu có ấy làm giàu từ đất nhưng cái cách của họ dứt khoát không phải là lao động, cũng không phải là kinh doanh bất động sản, bởi “công cụ lao động” của họ chỉ là chữ ký và “vốn pháp định” chỉ có quyền lực mà thôi.

Một đất nước mà dân giàu thì tất yếu sẽ làm nước mạnh. Còn như ngược lại, quan giàu mà dân nghèo thì quốc gia đó suy yếu là lẽ đương nhiên. Bởi quan chức chỉ là một bộ phận nhỏ, giàu xổi, chiếm tài sản trong xã hội lại quá lớn, gây nên sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc, từ đó nảy sinh bất mãn trong nhân dân, bất công trong xã hội. Sự tồn vong của một chế độ có khởi đầu và bắt nguồn từ đây.