Làm sao để hội tan mà lòng người còn náo nức?

(PLVN) - Trong cuốn “An nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính đã khảo cứu và trình bày khá chi tiết về lễ hội dân gian vào đầu thế kỷ trước. Theo đó, làng nào cũng có hội vào dịp đầu năm để tế thần, tưởng niệm, ghi ơn người có công với làng, với nước mà làng đó thờ phụng. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Cách thức, thủ tục, các trò chơi, ăn uống, hát xướng, lễ lạt, nghi thức tiến hành từ “nhập tịch” (vào đám) đến “xuất tịch” (rã đám) được cụ Phan đề cập và miêu tả cụ thể. Hội làng mở hàng năm nhưng “đại hội”, tức hội lớn thì hàng chục năm mới mở một lần, phải là năm “phong đăng hòa cốc”, được mùa, thiên hạ ấm no.

Chỉ điều này thôi cũng đủ thấy khi lễ hội trở lại với thời hiện đại thì khác hẳn, năm nào cũng mở hội, càng về sau càng to và ngày trước chỉ là hội làng thì bây giờ mở ra đến hội tỉnh, hội vùng, hội cả nước, hội đền, hội miếu,... và có cả hội chùa – điều mà trước kia chưa từng có.

Dẫn ra phong tục dân gian là lễ hội nhưng cụ Phan Kế Bính – một nhà nho, nhà biên khảo và dịch thuật, đặc biệt nhà báo đương thời với tư tưởng tân tiến đã không tiếc lời phê phán những tồn tại trong lễ hội mà cụ coi là “hủ lậu” hoặc “bắt chước nước ngoài”.

Ví dụ, “lễ nhập tịch là cách ăn Tết đầu năm, dịp cho dân làng vui chơi giải trí nhưng “nếu hơi sai lệ một chút hay là sơ ý điều gì thì hạch lạc nhau ngay,... sinh sự đánh nhau đến vỡ đầu, sứt tai”. Rồi thì vui quá đà, rồi thì tốn kém, tổn phí nhiều, bổ cả vào con em dân đinh, hào lý địa phương hưởng lợi,... có những thứ pháp luật quy định nhưng không nghe, chẳng hạn: “Xét ở luật lệ bản quốc “Trong làng hát xướng thờ thần chỉ được phép làm một ngày một đêm, nếu làm quá thì lấy luật vi chế mà luận tội”. Đã có luật cấm như thế, sao không thấy mấy nơi tuần hành được?”. Tình trạng không tuân thủ pháp luật này sao giống hiện tại đến vậy?!

Phan Kế Bính rút ra nhận xét: “Xét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thật là hại của mà mua lấy cái khó nhọc về mình”. Cụ cảnh báo tệ nạn quan chức bày ra lễ hội, mượn chuyện thần thánh mà kiếm lợi cho mình: “Sách có chữ rằng, “Tiên chí lực ư dân, nhi hậu thần giáng chi phú”, nghĩa là trước hết phải dùng sức mà lo cho dân, rồi thần mới giáng phúc cho. Vậy thì thần cũng phải lấy dân làm trọng, huống là dân không thuận thần lại cưỡng được sao?”.

Chúng ta hãy lắng nghe Phan Kế Bính phê phán chuyện đồi phong, bại tục diễn ra tại lễ hội: “Lại có việc nực cười và rất là bêu nhuốc dân phong, như làng nọ thờ dâm thần, cứ đến ngày rã đám thì buổi tối tế một tuần, trong khi đang tế tắt hết đèn nến, đình miếu tối mù rồi đàn bà, đàn ông, bất cứ ai, đùa lẫn nhau một lát, có câu tục ngữ rằng: Bơi Đăm, rước Dá, hội Thầy, vui thì vui vậy chẳng tầy Dã La. Cái vui ấy thực là cái vui mạt”. Ấy thế mà thời buổi ngày nay, người ta ra sức phục dựng lại cái “vui mạt” đó!

Dẫn ý kiến của cụ Phan Kế Bính để thấy rằng, lễ hội là phong tục truyền thống, lý giải vì sao lại có hội, mục đích của lễ hội để làm gì, mang lại sự hữu ích gì cho cộng đồng và ngoài sự tiếp thu truyền thống thì cũng có cái nhìn phê phán mặt trái của lễ hội.

Đặc biệt là việc đánh giá, nhận xét của một nhà khảo cứu uyên bác và một nhà báo sắc sảo có tư tưởng cách tân. “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” mà ông cảm nhận cách chúng ta hơn một thế kỷ mà dường như vẫn mang tính thời sự khi nhìn vào lễ hội của ngày hôm nay.

Tất nhiên, lễ hội không những chỉ là phong tục dân gian mà còn là phong vị ngày xuân, mở đầu cho một năm mới với những ước nguyện tốt lành, cần duy trì trong cuộc sống hiện tại như một cách giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.

Có điều, những năm gần đây, lễ hội để lại quá nhiều tai tiếng như những hành vi bạo lực, phản văn hóa, xô bồ, kinh doanh lễ hội và “chặt chém” du khách, biến tướng của cờ bạc, rượu chè,... mà phần lớn do sự lỏng lẻo của các nhà quản lý và tổ chức lễ hội. Xây dựng một xã hội văn minh và đang sống trong thời đại văn minh công nghiệp thì không thể để hủ tục cùng sự dã man trở lại và cũng đừng cổ súy cho nó như là một thứ “văn hóa dân gian” cần “bảo tồn”.

Lễ hội có thành kính và có vui tươi cũng bởi lòng người và tác động tích cực trở lại của lễ hội. “Lòng vui như mở hội”, “Đông như trẩy hội”,... là những so sánh mặc định là đã hội là vui, là đông đúc, hội tụ cộng đồng cả tâm linh siêu thực cùng tinh thần phấn chấn.

Làm sao để hội tan mà lòng người còn náo nức, còn lưu giữ những hình ảnh và tình cảm ấm áp, phơi phới ngày xuân. Chúng ta thường phê phán tư tưởng “rã đám” (tức tan hội) trong công việc đời thường thì làm thế nào để điều đó không xảy ra. Cuộc vui nào rồi cũng phải kết thúc nhưng cần kết thúc trong sự vui vẻ, lành mạnh.

Làm được điều này không phải chuyện đơn giản mà nó phụ thuộc rất nhiều vào tâm thức hướng về lễ hội của mỗi người, từ nhà quản lý, tổ chức lễ hội đến những người tham gia vào lễ hội và cả du khách. Tâm thức đó biểu hiện của việc tôn trọng và giữ gìn thuần phong, mỹ tục, hòa khí mùa xuân, chỉ cầu an vui, không cầu lợi lộc.