Lãnh đạo buôn chổi đót, bán cây cảnh có đóng thuế?

(PLO) - Qua những vụ án tham nhũng hay các vụ dư luận tố cáo về tài sản khủng của lãnh đạo, đa số đều được cho qua về những lời khai nghề nghiệp như buôn chổi đót, mới đây là bán cây cảnh mua đồng hồ tiền tỉ. Vấn đề đặt ra là không thấy cơ quan pháp luật xem xét đối chiếu lời khai này với bản kê khai thu nhập hàng năm, quy định nộp thuế thu nhập. Liệu các nguồn thu hàng trăm tỉ này có được kê khai và tính thuế?
Nguyên ĐBQH khóa XIII Nguyễn Anh Sơn
Nguyên ĐBQH khóa XIII Nguyễn Anh Sơn

Bán cây cảnh mua đồng hồ tiền tỉ

Một trong những vấn đề thời sự nóng mà dư luận quan tâm gần đây là vụ án đánh bạc nghìn tỷ đang được xét xử. Chiều 19/11, HĐXX phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch CNC) - một trong ba người bị cáo buộc vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ. Dương không nhớ biếu hai tướng công an bao nhiêu tiền, chủ tọa đề nghị VKS chiếu bản cung của Dương vào tháng 6/2018. Bản cung do Điều tra viên Nguyễn Tuấn Hải lấy lời khai, có Luật sư Trần Hồng Phúc tham gia.

Theo đó, với Tổng cục Cảnh sát, CNC hỗ trợ tham gia các chương trình tình nguyện. Dương trực tiếp hoặc cử nhân viên tham gia. Lúc game bài Rikvip mới hoạt động, chưa có nhiều doanh thu, mỗi tháng Dương biếu cựu Trung tướng, Tổng cục trưởng Cảnh sát Phan Văn Vĩnh hai tỷ đồng, sau đó có nhiều tháng định kỳ là 200.000 USD. Có năm vào dịp Tết, Dương biếu 20.000 USD, Tết năm 2016 biếu 10.000 USD, năm 2014 biếu đồng hồ Rolex, có lần đi nước ngoài về biếu áo 100-200 USD.

Những lần biếu tiền, Dương đều mang đến phòng làm việc của ông Vĩnh và không ai biết. Dương khẳng định việc biếu tiền là tự nguyện, không ai ép buộc vì thấy được cựu Trung tướng tạo điều kiện để game bài hoạt động, có lợi nhuận. Khi đến biếu, Dương không hẹn trước.

Còn với C50, CNC hỗ trợ tiền Tết 700 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ đoàn thanh niên, phụ nữ, một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 USD; biếu cựu Thiếu tướng, Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa 24 tỷ đồng. Theo lời khai của Dương, ông Hóa còn gợi ý lo chi phí và Dương hiểu ông đã tạo điều kiện cho đường dây hoạt động nên tự nguyện thực hiện. Dương còn khai biếu cán bộ C50 hàng trăm triệu đồng... “Toàn bộ số tiền tôi biếu các đơn vị do tôi chủ động”, VKS đọc bản cung của Dương.

Sau Dương, HĐXX thẩm vấn cựu Cục trưởng Phan Văn Vĩnh. Chủ tọa hỏi tình trạng sức khỏe có đảm bảo khi đứng khai được không, ông Vĩnh đáp vì sự trang nghiêm của phiên tòa xin đứng trình bày, khi nào sức khỏe không cho phép sẽ xin ngồi. 

Đứng thẳng, giọng bình tĩnh, đối chất với lời khai của Dương, ông Vĩnh khẳng định không có việc nhận tiền như vậy, ông chỉ nhận một cái áo và lọ thuốc bổ gan. Với chiếc đồng hồ Rolex, ông đã trả Dương 1,1 tỷ đồng bởi “anh em quen biết nên việc mua bán là bình thường của cuộc sống”.

“Lương của Tổng cục trưởng được Nhà nước trả bao nhiêu một tháng?”, chủ tọa hỏi. Ông Vĩnh nói khoảng 20 triệu đồng. Vợ ông là giáo viên, lương khoảng 7-8 triệu mỗi tháng. Gia đình không kinh doanh gì trừ việc ông vừa chơi, vừa mua bán, giao lưu cây cảnh.

Ông khai sở hữu nhiều cây có giá trị cao, có cây tới 10 tỷ đồng. Khi chủ tọa thắc mắc với mức lương như vậy mà mua đồng hồ 1,1 tỷ đồng, ông Vĩnh nhiều lần khẳng định không dùng lương mua đồng hồ mà lấy thu nhập từ kinh doanh cây cảnh. Nhưng chiếc đồng hồ bị mất do ông bỏ quên tại nhà vệ sinh khách sạn khi tham gia hội nghị.

Đây chắc chắn sẽ là một lý do khiến các nhà buộc tội phải đau đầu. Thứ nhất, việc xác định giá trị thực của cây cảnh thật khó, nhất là cây cảnh tiền tỉ. Có những cây được thổi giá đến cả trăm tỉ đồng, rồi cuối cùng vài tỉ cũng bán. Thứ hai, việc xác định ông Vĩnh mua cây nào, tự trồng cây nào, cũng vô cùng khó.

Thứ duy nhất mà ông nhận được từ trùm đánh bạc Nguyễn Văn Dương, chính là một chiếc áo và một lọ thuốc bổ gan. Chiếc áo, dù có là hàng hiệu và thuốc bổ gan, dù có mua từ nước ngoài thì chắc giá trị cũng không đáng là bao. Giá trị của chiếc áo và lọ thuốc bổ gan, đương nhiên không cần ghi bổ sung vào bản kê khai tài sản hàng năm, nhưng chắc chắn vườn cây cảnh nhiều tỉ đồng của ông (nếu đúng là sự thực) và chiếc đồng hồ rolex, theo nguyên tắc, phải có trong bản kê khai tài sản, nhất là như ông nói, nhiều cây đó đã có từ hàng chục năm. Tìm lại bảng kê khai tài sản của ông Vĩnh không khó. Và nếu ông không kê khai thì cũng chỉ chịu trách nhiệm về tội thiếu trung thực.

Làm hùng hục vẫn không giàu nổi

Việc nhiều cán bộ khi kê khai tài sản giải trình tài sản được hình từ nuôi lợn, nuôi gà, chạy xe ôm..., khiến ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII thốt lên: “Làm sao tin được rằng bán mấy cây chổi bông đót, chạy xe ôm... mà xây được biệt phủ hoành tráng?”.

Lấy cá nhân mình làm minh chứng, ông Sơn cho biết, cách đây mấy chục năm, khi đi bộ đội về, ông đã làm đủ thứ nghề, từ nuôi lợn đến bóc lạc, may quần đùi, váy trẻ con đi giao cho các chợ...

Rồi cứ đến chiều thứ bảy hàng tuần, ông lại nhảy xe khách Nam Định ra Hải Phòng đánh “hàng cáy”, tức hàng xách tay của thủy thủ tàu viễn dương. Đó là những máy dệt len cũ, ông mang về đánh rửa, thiếu gì thì bù vào rồi căn chỉnh, bán cho người làm len. Khi ông còn làm cán bộ văn phòng, cả TP Nam Định, những người kinh doanh hàng len trên phố Đinh Liệt (Hà Nội) đều biết tiếng ông là người sản xuất, chế tạo các mẫu dệt len.

“Tôi hùng hục dệt len, không bao giờ đi ngủ trước 12 giờ đêm. Mà tôi làm rất giỏi, thường là người đầu tiên làm các mặt hàng. Về sau, nhà tôi biến thành một xưởng sản xuất len, thuê hàng chục người dệt. Thậm chí, tôi còn đóng container hàng cho các ông chủ trên Hà Nội xuất khẩu đi nước ngoài.

Lúc tôi là thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, mỗi lần lên họp Quốc hội ở Hà Nội, tôi lại mang áo len lên bán. Có những khách ở miền Nam đóng hàng trăm chiếc áo len một lúc mỗi khi họp về làm quà. Tôi làm dệt len suốt 10 năm trời. Quần quật như thế mà tôi không thể nào giàu lên được. Tôi chỉ đủ tiền xây một căn nhà gạch 3 tầng 53m2 trị giá 200 triệu đồng vào năm 1996. Lúc ấy số tiền này rất to, khoảng 40 cây vàng. Thế nhưng nó cũng chỉ tương đương khoảng 600 triệu đồng bây giờ”, ông Nguyễn Anh Sơn nhớ lại thời vất vả.

Bởi vậy, ông Sơn thấy lạ lùng và không thể nào tin được khi nhiều cán bộ, quan chức chạy xe ôm, bán chổi đót, nuôi lợn, nuôi gà có mấy năm mà xây được biệt thự hàng chục tỷ đồng.

Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chia sẻ thêm: “Có thời điểm tôi làm cán bộ văn phòng, nếu tính thu nhập của tôi ở nghề dệt len so với lương chủ tịch tỉnh thì lương của chủ tịch tỉnh chưa là gì.

Dù chức vụ trưởng đoàn ĐBQH của tôi không kém gì với bí thư, chủ tịch tỉnh nhưng giờ về xem tài sản nhà tôi với họ, người ta vô cùng ngạc nhiên vì nhà tôi vẫn ở ngõ trong cùng, bán không ai mua.

Giờ buổi sáng tôi hay ăn phở. Ra ngồi trà đá vỉa hè, người ta cứ thắc mắc tôi cũng là quan hàng tỉnh mà suốt ngày lọc cọc cưỡi xe máy cà tàng, trong khi nhiều quan chức về hưu mua ô tô chạy cho khỏi nắng mưa. Trở lại với việc một số cán bộ giải trình về tài sản khủng, tôi không thể nào tin được và tôi dẫn chứng bằng cuộc sống của tôi, việc làm của tôi. Những người đi giải trình như vậy rất coi thường dư luận. Nếu cứ như lời quan chức đó giải trình thì tất cả những người lao động đang chạy xe ôm, có người chạy xe ôm cả đời, có khi họ có đến mấy biệt thự”.

“Lồng bàn úp voi”

Từ câu chuyện trên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng có nhiều lỗ hổng trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức ở Việt Nam. Ông ví von, việc kê khai này giống như cái lồng bàn úp con voi.

“Dù làm cách này hay cách khác, cái lồng bàn cũng không bao giờ úp hết được con voi. Điều quan trọng là luật của Việt Nam không có sự ràng buộc, kiểm tra trên thực tế, không có quy định xem cán bộ khai như thế có đúng không”, ông Sơn nhấn mạnh. Ông kể thêm, trước đây, khi ông làm ĐBQH, lúc phê chuẩn các chức danh của Chính phủ, ông vô cùng thương những chính khách lỗi lạc nhưng tài sản chẳng có gì, thậm chí “không bằng mấy anh le ve” ở địa phương ông.

“Ở các quốc gia khác, bất cứ ai tiêu một đồng là cơ quan thuế đều biết. Họ có chế định rõ ràng và công khai, có biến động trong tài khoản là họ nắm được, thông qua thuế, các chứng từ, xử lý về mặt chi tiêu... Còn ở Việt Nam chẳng ai biết. Thế nên, kê khai tài sản phải đi kèm với việc kiểm tra sự kê khai đó có đúng không. Đừng để cho dư luận phải thốt lên không thể tin được khi nghe quan chức kê khai”, ông Sơn lưu ý.