Loa kẹo kéo có tội gì?

(PLVN) - Nghe qua, đề xuất của một đại biểu HĐND TP HCM về việc “cấm loa kẹo kéo” dường như đánh trúng tâm lý rất nhiều người. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngay sau khi đề xuất trên được công bố mới đây, một số bài báo lập tức liệt kê những vụ án hình sự xảy ra vì tiếng loa ồn ào. Nhiều bạn đọc được lấy ý kiến, cùng có quan điểm phải “cấm tiệt loa kẹo kéo”, “không nạn phá làng, phá xóm tiếp diễn”. Thậm chí, đi xa hơn, còn có bài báo kỳ công đến tận những cửa hàng điện tử, phản ánh nỗi lo của người bán loa, cứ làm như ngay ngày mai lệnh cấm loa kẹo kéo sẽ có hiệu lực lập tức.

Để bàn về căn nguyên câu chuyện này và những vấn đề khác liên quan, có thể viết vài trang báo không hết chuyện. Ở đây, bỏ qua chuyện chứng minh âm nhạc có ý nghĩa như thế nào trong đời sống loài người, bỏ qua khía cạnh lời ca câu hát là “món ăn tinh thần” khó có thể thiếu trên mặt đất; chỉ cần đặt câu hỏi loa kẹo kéo có tội gì, sẽ thấy đề xuất này không hợp lý.

Đề xuất đưa ra dựa trên căn cứ cho rằng loa kẹo kéo là “thủ phạm” của nạn “tra tấn lỗ nhĩ” người khác. Có điều máy móc đâu có tội, mà tội là ở người sử dụng. Nếu “khảo tội” kiểu này, chắc phải ban hành cả trăm quyết định, nay cấm loa kẹo kéo, mai cấm loa xách tay, mốt cấm karaoke gia đình, rồi tiến tới cấm tất cả những phương tiện điện tử có thể phát ra âm thanh…

Nhìn ở khía cạnh sâu xa, cũng phải thừa nhận vì chưa đầy đủ sân chơi giải trí văn hóa, nên nhiều người mới tìm đến cách “xả stress” bằng lời ca tiếng hát. Vì vậy nếu cấm loa kẹo kéo, khác gì là động thái cấm ca hát, đi ngược quy luật đời sống loài người?

Vậy có cách gì “trị” được nạn loa kẹo kéo ồn ào ảnh hưởng người khác? Thực tế cũng cho thấy nhà quản lý đã lường được vấn đề này từ lâu. Vì vậy mới có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mới có những quy định pháp luật về ô nhiễm tiếng ồn… Nếu thực hiện tốt các phong trào, quy định trên, thì dù loa kẹo kéo hay bất cứ loa gì cũng chỉ được hoạt động trong thời gian, không gian cho phép, để không ảnh hưởng người khác, không xảy ra nạn “tra tấn lỗ nhĩ” xóm làng…

Quan điểm “không quản được thì cấm” đã lỗi thời, không phù hợp với xu thế cuộc sống. Dù có thể vì bức xúc nhất thời, nên mới có những đề xuất như trên. Nhưng xin đừng nhìn nhận sự việc kiểu “hớt váng”, chỉ chăm chăm nhìn một cái cây mà không nhìn cả khu rừng. Điều quan trọng nhất bây giờ chỉ cần là thực hiện đúng các quy định hiện hành, đưa loa kẹo kéo và tất cả các loại loa khác vào hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; để người người, nhà nhà vui vẻ với quan điểm “hát hay không bằng hay hát”, để lời ca tiếng hát chắp cánh đời sống tinh thần…