Lớp đào tạo chất lượng cao Đại học: Học phí cao liệu chất lượng có cao?

(PLO) - Xuất phát từ quy chế cho phép các trường đại học mở lớp đào tạo chất lượng cao, các nhà trường tự quyết định điểm đầu vào và định mức thu học phí. Thực tế, lớp chất lượng cao này cao hơn về mức thu học phí, về tiện nghi học tập, về điều kiện phục vụ giảng dạy, còn chất lượng đầu vào thì tùy vào từng trường...
Giờ thực hành của một lớp học chất lượng cao. Ảnh: MH
Giờ thực hành của một lớp học chất lượng cao. Ảnh: MH
Nhiều trường có lớp chất lượng cao
Từ năm 2011 – 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra quy chế cho phép khối các trường ĐH và sau đó là các trường dân lập được tự xác định mức học phí riêng cũng như các quy định xét tuyển điểm đầu vào dựa trên yêu cầu cơ bản về mô hình xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao. Từ đó, các trường ĐH qua các học kì đã lần lượt xuất hiện nhiều hơn các lớp đào tạo dưới hình thức như “Lớp học chất lượng cao”, “Chương trình chất lượng cao”, “Chương trình đào tạo đặc biệt”, “Chương trình tiên tiến”...
Điều cảm nhận đầu tiên khi tìm hiểu về lớp học này là sự ưu tiên về điều kiện cơ sở vất chất, về giáo viên giảng dạy lẫn kiến thức chương trình. Chương trình đào tạo theo hình thức mỗi khoa sẽ có một lớp với tương đối ít sinh viên (chủ yếu từ 40 – 50) tùy theo mức độ hồ sơ đầu vào cũng như cơ sở vật chất đủ đáp ứng;  phòng dành riêng cho lớp học này với đầy đủ mọi tiện nghi; giảng viên chủ yếu là các tu nghiệp sinh có thời gian học tập tại các nước như Úc, Hà Lan, Anh quốc...; được ưu tiên sử dụng các loại hình thư viện, thiết bị thí nghiệm... 
Tuy nhiên về cơ bản, chất lượng đầu vào và hình thức tuyển sinh không khác nhiều so với các lớp đại trà. Có chăng  khác biệt lớn là học phí cao gấp đôi, gấp ba so với lớp đại trà. Và hẳn nhiên, không phải sinh viên bình dân nào cũng có thể tham gia học. 
Học viện Bưu chính Viễn thông là một trong những trường thực hiện khá sớm chương trình đào tạo chất lượng cao. Theo thông báo tại trường, thí sinh sau khi trúng tuyển vào Học viện có thể đăng ký theo học các chương trình đào tạo chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin hoặc Công nghệ đa phương tiện. 
Sinh viên của Học viện còn có các cơ hội theo học các chương trình liên thông cấp bằng ĐH quốc tế 3 + 1 hoặc 2 + 2 với các trường ĐH danh tiếng của Anh quốc, New Zealand, Úc, Pháp và đặc biệt là Hoa Kỳ về các lĩnh vực Quản trị tài chính, Quản trị kinh doanh, Điện tử viễn thông và Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, điều kiện học tập như trên kéo theo học phí cũng sẽ rất cao so với đại trà.
Tương tự tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, sinh viên  có cơ hội được học các chương trình liên kết 2+2 hoặc 3+1 với các trường ĐH danh tiếng hàng đầu trên thế giới như Southampton, London Met, Stirling... 
Về vấn đề học phí, TS Lê Thái Phong, Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngoại thương cho biết, với lớp học áp dụng chương trình chất lượng cao, sinh viên phải đóng 650 nghìn đồng/tín chỉ và với 140 tín chỉ/ 4 năm học thì sinh viên ở lớp chất lượng cao phải đóng là khoảng 25 triệu đồng/năm. Trong khi đó, lớp đại trà chỉ khoảng 14 triệu/năm, chênh lệch gần gấp đôi. 
Trường ĐH Thương mại là năm thứ hai tổ chức chương trình đào tạo chất lượng cao với hai mã ngành là Tài chính ngân hàng và Kế toán doanh nghiệp. Tiêu chí xét tuyển  dựa trên  kết quả thi THPT quốc gia năm 2015 và xét tuyển năng lực ngoại ngữ của thí sinh; mức học phí là 25 triệu đồng/ năm đóng theo từng học kì. 
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Hùng - Trưởng khoa Kế toán – Kiểm toán, ĐH Thương mại Hà Nội: “Lớp học chất lượng cao của nhà trường sẽ được hưởng mọi quyền lợi y như đã thông báo ở thông tin tuyển sinh, tức là được hưởng các quyền lợi chung như đối với sinh viên ĐH chính quy, ngoài ra còn được hưởng các quyền lợi về đội ngũ giảng viên hàng đầu và các giáo sư từ các trường ĐH hàng đầu nước ngoài. Phòng học được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy tốt nhất; đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cũng như ưu tiên cho sinh viên lớp chất lượng cao những cơ hội tiềm năng nhất”.
Liệu có cao về chất lượng?
Để trả lời câu hỏi này, PV đã có cuộc khảo sát tại nhiều trường ĐH có lớp chất lượng cao. Thực tế cho thấy, giáo viên tham gia đào tạo lớp chất lượng cao cũng chính là giáo viên đứng lớp ở các lớp đại trà. Điểm khác biệt duy nhất là họ sử dụng tiếng Việt ở lớp đại trà, còn sử dụng tiếng Anh ở lớp chất lượng cao để giảng dạy. Còn nhà trường không đảm bảo sẽ thường xuyên có các giáo sư, giáo viên ở nước ngoài về giảng dạy. 
Vì chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh (trừ các môn chính trị) nên sẽ có những khó khăn nhất định cho cả sinh viên và giảng viên. Để học chất lượng một cách hiệu quả, các sinh viên cần trang bị cho bản thân một vốn tiếng Anh vững để có thể tiếp thu tốt bài giảng. Và dù chuyên môn của các thầy cô giảng viên chương trình chất lượng cao có cao nhưng không phải là ngôn ngữ bản xứ của các thầy cô nên khó tránh khỏi  khó khăn cũng như sai sót  trong việc truyền đạt nội dung sao cho sát với bài học của sinh viên, đặc biệt là các ngôn ngữ chuyên ngành. 
Về vấn đề bằng cấp, TS Lê Thái Phong (ĐH Ngoại thương) cho rằng, bằng cấp sau khi ra trường giữa các lớp “chất lượng cao” và các lớp “đại trà” không khác nhau nhiều, đều chung một mẫu phôi, sinh viên lớp chất lượng sẽ nhận bằng và có chú thích thêm là lớp được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh… 
Cho đến thời điểm này, chưa có trường nào thực hiện đánh giá chi tiết về chất lượng đầu ra của sinh viên lớp chất lượng cao; chưa có sự thường xuyên trong quá trình kiểm tra, đánh giá về chất lượng đầu vào cũng như quá trình đào tạo của các trường đại học có lớp chất lượng cao từ các lãnh đạo Bộ GD&ĐT. 
Mặt khác, nhìn nhận những vấn đề xung quanh các lớp ĐH chất lượng cao, thật sự sẽ nhận thấy một điều rằng với những sinh viên giỏi, trình độ tiếng Anh tốt nhưng vì lí do không đủ chi trả mức học phí cao gấp đôi so với lớp đại trà nên không thể tham gia lớp chất lượng cao. Nghĩa là phải có tiền mới có thể tham gia học ở lớp học có điều kiện tốt nhất; có cơ hội tiếp thu nền tri thức tiệm cận nhất; có cơ hội nhiều với học bổng, với môi trường thực tập ở các doanh nghiệp lớn... Điều này vô hình tạo nên sự phân hóa trong môi trường giáo dục, và liệu có thật sự công bằng cho tất cả các sinh viên?