“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

(PLVN) - Ngày 1/11, siêu bão Goni cách miền Trung Philippines khoảng 70km về phía Đông và vẫn giữ nguyên cường độ ở cấp 17 và dự báo ngày 4/11, vị trí tâm bão ở cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 220km về phía Đông.
Tiếp cận vùng lũ trao quà cho người dân ở Quảng Bình.
Tiếp cận vùng lũ trao quà cho người dân ở Quảng Bình.

Chưa bao giờ thiên tai dồn dập như cuối năm 2020. Trong vòng 20 ngày của tháng 10, khu vực miền Trung phải chống chọi với 4 trận mưa, bão liên tiếp, trong đó bão số 9 là cơn bão mạnh nhất 20 năm vừa qua. Trong suốt những ngày bão lũ, trời đổ mưa kéo dài với lượng mưa cao hơn mức lịch sử năm 1999 (theo lời Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Công Thành).

Bão mưa dồn dập như muốn thử sức chịu đựng của người dân miền Trung. Miền Trung, khu vực chậm phát triển của đất nước, khu vực số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao của đất nước bị thiệt hại nặng nề. Nhưng, từ trong thiên tai, mới nhận thấy sức mạnh đoàn kết của người dân cả nước đã chung tay quyết không để miền Trung phải chống chọi một mình.

Tinh thần đoàn kết và sức mạnh của lòng dân được phát huy. Dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, bươn chải, trong mỗi con người ai cũng đều có lòng trắc ẩn, yêu thương. Truyền thống “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”... được kích hoạt, lan tỏa như một “hiệu ứng” nhân ái.

Trong mưa lũ, thiên tai, hình ảnh quân đội, công an và những người lãnh đạo địa phương biết hành động vì dân, nói như Bác Hồ: “Lo trước cái lo của nhân dân, vui sau cái vui của nhân dân” mang lại niềm tin vào chính quyền.

Câu chuyện về vị Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, Trần Phong liên tiếp hơn 10 ngày chỉ đạo xuyên đêm và có mặt khắp các địa bàn lũ lụt ở Quảng Bình; câu chuyện  Chủ tịch xã An Thuỷ (Lệ Thuỷ, Quảng Bình), ông Lê Văn Quyết suốt nhiều ngày cùng lực lượng cứu hộ địa phương dầm mình dưới nước lũ cứu người, sơ tán dân đến nơi an toàn đã gây xúc động mạnh. Ở các nơi như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam cũng có những hình ảnh các vị lãnh đạo sát sao, có mặt kịp thời nơi sạt lở... giải cứu nạn nhân, khắc phục hậu quả. Thậm chí, để vào được nơi dân gặp nạn họ phải đi bộ gian khổ do địa hình bị chia cắt.

Người dân nhìn cán bộ hành động khi thiên tai, lụt bão để định vị niềm tin ở chính quyền. Điều này có giá trị hơn “hàng tá” nghị quyết.

 Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là cần tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân sau mưa lũ, không để người dân thiếu đói, không để người dân không có chỗ ở. Đây là một trong những nội dung kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung mới đây về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn. Theo Thủ tướng, đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp ở địa phương.

Sau cứu trợ để dân không bị đói, bị rét; quan trọng hơn là giúp dân tổ chức lại cuộc sống. Họ cần vốn, cần giống, thậm chí với vùng núi, cần cải tạo lại ruộng nương đã bị vùi lấp. Miền Trung đang cần sự sẻ chia bền vững sau cứu trợ.