Lương và nghịch lý bộ máy

(PLVN) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội có một thông tin đáng chú ý. Đó là, báo cáo trước Quốc hội sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội xem xét loạt cơ chế đặc thù trong tình hình mới. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ ngày 1/7/2020 để “cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách”.

Người Việt Nam có truyền thống “thắt lưng buộc bụng” nên đề nghị của người đứng đầu Chính phủ trong “hoàn cảnh đặc biệt” chắc chắn được những người hưởng lương đồng thuận, có điều cũng xin bàn rộng thêm một chút về chính sách tiền lương (CSTL).

Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách CSTL đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Thực tế mà nói, từ trước đến nay, Việt Nam chưa cải cách CSTL, tiền lương của công chức, viên chức đang thực hiện theo bảng lương hiện hành của Nhà nước và đang có nhiều bất cập. Hàng năm Nhà nước vẫn điều chỉnh tăng lương cơ sở để bù đắp phần tiền lương thiếu hụt cho người lao động, cố gắng đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù vậy, tiền lương, thu nhập vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang thực hiện quá trình đổi mới sắp xếp bộ máy với mục tiêu giảm nhẹ biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách mới có điều kiện để cải cách CSTL. Cùng với đó là thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, bố trí đúng người, đúng việc. Mấu chốt là năng suất lao động luôn chậm hơn tăng tiền lương bình quân.

Chúng ta vẫn loay hoay về việc sắp xếp lại bộ máy. Mục tiêu đến năm 2020 phải giảm được 10%, nhưng không thể giảm được. Có ngành được ngợi ca “dũng cảm, đi đầu” trong việc này, nhưng thực chất vẫn “bóp chỗ nọ, phình chỗ kia”; con số tuyệt đối (ngoài báo cáo thành tích) chưa hẳn đã giảm.

Do đó, muốn cải cách tiền lương phải thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp không hiệu quả, công chức, viên chức phải giảm đi, đồng thời phải tăng năng suất lao động. Đây là bài toán cực khó với “văn hóa” Việt Nam, tâm lý Việt Nam, thích “cấu” vào ngân sách và tư duy “xin – cho”, “ban phát”.

Chính phủ cũng đã báo cáo, tốc độ đổi mới bộ máy và giảm nhẹ biên chế rất chậm, trong khi chúng ta phải giảm tối đa số công chức mới cải cách được CSTL. Vấn đề quan trọng khi thực hiện cải cách CSTL là phải giảm tối đa số cán bộ, công chức, bộ máy cồng kềnh kém hiệu lực “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, giảm biên chế gắn với sắp xếp bộ máy.

Ai cũng thích được tăng lương nhưng không ai muốn giảm biên chế bộ phận mình, luôn muốn “cơi nới” phạm vi quản lý, quyền hành, nhiều cấp phó. Đó là nghịch lý lớn, đẩy chúng ta vào vòng luẩn quẩn.