Mái ấm tình thương Diệu Giác

(PLO) - Trên con đường Trần Não (quận 2, TP HCM), chùa Diệu Giác từ lâu được biết đến không chỉ là một địa chỉ văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo mà còn bởi nơi đây có Mái ấm tình thương Diệu Giác - tổ ấm của hàng trăm trẻ em mồ côi, cơ nhỡ được cưu mang, nuôi dạy khôn lớn, trưởng thành, trở thành công dân tốt.
Mái ấm Diệu Giác.
Mái ấm Diệu Giác.

Vườn trẻ trong khuôn viên chùa

Đến chùa Diệu Giác, du khách không chỉ được lắng lòng trong không khí uy nghiêm, tĩnh lặng ngan ngát hương trầm mà còn thấy tâm hồn mình trẻ trung, bởi âm thanh trong trẻo véo von của lũ trẻ ê a học bài hay hát những bài ca tuổi thiếu thời. Vài đứa trẻ tung tăng chạy chơi xung quanh chùa là hình ảnh dễ gặp tại cửa thiền nơi đây. Hiện Mái ấm tình thương Diệu Giác nuôi dưỡng gần một trăm đứa trẻ đủ các lứa tuổi, trong đó có cả những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo. 

Mái ấm tình thương Diệu Giác bắt đầu có từ năm 1989, cơ duyên hình thành là do có những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa được các ni sư mở rộng vòng tay chăm sóc, nuôi dưỡng. Ban đầu các cháu bé được ở cùng với các ni sư, các ni cô vừa học phật pháp, vừa chăm nuôi lũ trẻ như một cách ươm mầm thiện.

Từ một vài cháu lúc đầu, sau đó số cháu bé bị bỏ rơi được nhà chùa đón nhận ngày càng đông. Các ni sư, phật tử đã che tạm một cái nhà lá sát bên chùa làm nơi nuôi dưỡng các cháu. Các em bé bất hạnh lớn lên nhờ tình thương, sự bao bọc của các ni sư, các tín đồ phật tử làm công đức và các nhà hảo tâm quyên tiền, góp gạo. Dần dần nhờ sự đóng góp đó, qua mấy lần xây dựng, ngôi nhà dần dần trở nên khang trang, sạch đẹp và trở thành Mái ấm tình thương bề thế như ngày nay. 

Hiện Mái ấm tình thương Diệu Giác được xây dựng thành một tòa nhà 3 tầng, kết cấu hình chữ U liền nhau là nơi ở của gần 100 em nhỏ ở nhiều lứa tuổi. Cơ ngơi của các cháu gồm: gần 15 phòng tất cả, phân rõ từng khu: khu các em nữ ở nằm bên trái, khu các em nam ở bên phải, gian ở giữa là các phòng ăn – sinh hoạt chung, phòng học, phòng y tế, văn phòng tiếp nhận các nhà hảo tâm và phòng của các “mẹ” (những người chăm sóc các em) sống và sinh hoạt tại đây để tiện công việc chăm sóc, nuôi dưỡng các “con”.

Các em nhỏ sống tại mái ấm có nhiều lứa tuổi, nhưng đa phần trong độ tuổi học tiểu học, một số em đang học cấp 3, một số khác đang học nghề tại các trường cao đẳng trên địa bàn; hiện các em nhỏ nhất ở mái ấm mới hơn 1 tháng tuổi. Ngoài những em bé sơ sinh và những bé bị bệnh cần sự chăm sóc đặc biệt, còn lại các con trong mái ấm được dạy dỗ để sống tự lập, tự giác; hoặc các anh chị lớn có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ các em bé hơn.

Tình thương bù đắp những thiếu thốn, thiệt thòi

Sư cô Tịnh Hiền (tu tập tại chùa Diệu Giác) chia sẻ, bản thân ni sư cũng không biết chính xác có bao nhiêu trẻ đã được mở rộng vòng tay nhân ái đón vào chùa. Nhiều đứa trẻ đã được nuôi dạy khôn lớn, trưởng thành từ mái ấm này, trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng cũng có những em vì bệnh tật, vắn số đã vĩnh viễn ra đi. Nhà chùa lo tang ma, chôn cất cho các em chu đáo, làm lễ cầu siêu cho linh hồn các bé được lên thiên đàng. 

Tiếng lành đồn xa, Mái ấm Diệu Giác không chỉ được người dân ở TP HCM biết đến mà còn nức tiếng ở nhiều tỉnh, thành lân cận. Người dân thường gọi điện đến cho sư thầy hoặc sư cô nói về những hoàn cảnh trẻ em nhỏ lang thang ngoài đường hay những em bé mới sinh ra chưa được mẹ bế lần nào bị bỏ lại trong bệnh viện không người nuôi dưỡng để mái ấm mở rộng tấm lòng từ bi đón về chăm nuôi.

Rồi các nhà hảo tâm ở khắp nơi, không chỉ trong nước mà kiều bào ở nước ngoài cũng thành tâm quyên góp tiền, chung tay cùng nhà chùa giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ. Người có tiền giúp tiền, người có gạo ủng hộ gạo, các bạn học sinh - sinh viên ủng hộ sách vở, đồ dùng học tập, các cô bác tiểu thương ủng hộ rau, quả, mắm muối hàng ngày. Nhờ gom góp từng chút yêu thương vậy mà cuộc sống của các em đỡ khó khăn, thiếu thốn, ngày càng đầy đủ hơn. 

Được biết, mỗi tháng chi phí sinh hoạt cho mái ấm lên tới hàng trăm triệu đồng. Hiện nhà chùa chỉ có nguồn thu chính từ quán cơm chay của chùa mở ra bên cạnh, còn lại chủ yếu nhờ các nhà hảo tâm đến thăm, làm từ thiện. Nhà chùa đăng công khai các số điện thoại để nhận quyên góp từ thiện cũng như nhận tin về những mảnh đời cơ nhỡ để đón nhận nên bất cứ khi nào có điện thoại báo có người cho gạo, cho thịt hay nhu yếu phẩm cho các cháu là các mẹ, các cô lại vội vã lên đường. Vất vả, tất bật nhưng các sư thầy và sư cô luôn tạo mọi điều kiện để các em sống ở đây có một cuộc sống đầy đủ, phần nào bù đắp tình thương các em bị thiếu hụt.

Nhìn những đứa trẻ thông minh, lanh lợi, chơi đùa vô ưu trong sân nhà mở, ít người nghĩ rằng đó là những em bé mồ côi hay trẻ bị gia đình bỏ rơi. Bởi lẽ ở các em toát lên sự chỉn chu, tươm tất chứng tỏ các em được chăm sóc, giáo dục chu đáo. Đúng là các em nhỏ ở đây ít khi cảm thấy mình bất hạnh hay thiếu thốn nhờ sự chăm lo chu đáo, tận tụy của các mẹ, các thầy trong nhà mở. Với các em, Mái ấm tình thương Diệu Giác thực sự là ngôi nhà chung khai mở trí tuệ để các em bé tuy sinh ra không may mắn nhưng đã được giáo dục, chắp cánh ước mơ để tự tin vững bước vào đời.