Mở đường cho văn hóa từ chức

(PLO) - Một khái niệm mới được đưa ra trong dự thảo Quy định về nêu gương là “chủ động từ chức”. Kèm theo đó là những điều kiện cần và đủ để thực hiện việc chủ động từ chức như “không đủ điều kiện, uy tín” và một loạt các biểu hiện khác dẫn đến sự giảm sút uy tín, bao gồm cả việc để cơ quan, địa phương mình phụ trách xảy ra mất đoàn kết hoặc vi phạm pháp luật,...
Ảnh minh họa (Internet)
Ảnh minh họa (Internet)

Đối tượng điều chỉnh mà Quy định này nhắm đến là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, từ Ủy viên BCH TƯ đến Ban Bí thư, Bộ Chính trị, tức là gần 200 con người nòng cốt, tinh hoa của Đảng Cộng sản Việt Nam – một đảng lãnh đạo và cầm quyền của đất nước hơn 70 năm qua và hiện tại luôn khẳng định mình ở vị trí tiên phong trong mọi lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa từ chức khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng không thịnh hành ở ta. Đã có những cán bộ cao cấp từ chức nhưng không nhiều và “tấm gương” đó ít được phổ biến và học tập. Một trong những nguyên do là việc từ chức xảy ra trong tình trạng không từ chức không được và ở trong một tình thế buộc phải từ chức. Thậm chí, có trường hợp người phải từ chức đó vẫn còn uy tín, tâm huyết và tài năng hơn so với những người vẫn tại vị. Vì thế, động thái từ chức ấy không làm cho hành vi từ chức trở thành nét văn hóa và cấu thành nên văn hóa từ chức ở nước ta. 

Bên cạnh đó, não trạng “Đảng phân công nhiệm vụ thì phải làm, Đảng bảo thôi thì mới được thôi” để che đậy sự “tham quyền, cố vị” là sự ngăn trở chủ yếu khiến văn hóa từ chức khó xâm nhập vào chính trường. Thay vào đó là “văn hóa nhìn nhau”, suy bì: Tại sao ông kia còn nhiều khuyết điểm hơn tôi mà có chịu từ chức đâu? Và thế là cứ ngồi lại ở cái ghế mà tổ chức đã sắp xếp cho mình mặc dù cái ghế ấy đã lung lay dữ dội bởi người ngồi không xứng đáng. Đây cũng biểu hiện một thứ văn hóa khác mà một vị lãnh đạo Chính phủ gọi đó là “văn hóa không nhúc nhích”!

Giờ đây, thay vì trông chờ, thụ động, Quy định về nêu gương đã mở đường cho văn hóa từ chức bằng sự “chủ động từ chức”. Đơn giản, từ chức là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm trên cương vị của mình, về mặt tinh thần, đó là biểu hiện của lòng tự trọng rất cao, chính do biểu hiện tinh thần này mà từ chức mới trở thành một hành vi văn hóa, thuộc tính của nhân cách con người.

Việc chủ động từ chức một cách tự giác cũng sẽ vô hiệu hóa những lời “kêu gọi từ chức” trên mạng xã hội mà chủ yếu xuất phát từ cảm tính chủ quan, thói a dua, “ném đá” mà thôi. Khi văn hóa từ chức trở thành nét chủ đạo, chính thống trong đời sống chính trị thì dư luận xã hội hướng theo sự lành mạnh là một hệ quả tất yếu./.