Một số tỉnh thành vẫn chống dịch kiểu “ngăn sông cấm chợ”: Mục đích tốt, nhưng cách làm sai luật?

(PLVN) - Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương đã ráo riết triển khai nhằm ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, không ít nơi lại có dấu hiệu tùy tiện, lạm quyền.
Nhiều xe ô tô phải quay đầu khi đến địa phận Quảng Ninh.
Nhiều xe ô tô phải quay đầu khi đến địa phận Quảng Ninh.

Hải Phòng ra “giấy phép đi lại”

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên có những hành động phản cảm, khi thậm chí cho xe chở đất đá lấp lối đi một số con đường. Ngay sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ đã phải lên tiếng giải thích một số địa phương đã hiểu và thực hiện sai. Thủ tướng nêu rõ cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng; chứ không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông, cấm chợ”, chưa phải phong tỏa xã hội.  

Tuy nhiên, từ ngày 1/4, đã có một số địa phương rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Việc “ngăn sông, cấm chợ” là sai chỉ đạo của Thủ tướng”.

Xe ô tô đến địa phận Hải Phòng cũng phải quay đầu.
 Xe ô tô đến địa phận Hải Phòng cũng phải quay đầu.

Dù VPCP đã có giải thích rõ ràng như trên, từ hôm qua (5/4), TP Đà Nẵng vẫn thông báo áp dụng biện pháp cách ly tập trung có thu phí với người đến từ Hà Nội và TP HCM. Đà Nẵng cho hay sẽ thu phí cách ly, gồm phí ăn, sinh hoạt và tiền ở theo chi phí của cơ sở cách ly tập trung.  

Tại Quảng Nam, Giám đốc Sở Y tế kiêm người phát ngôn BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Văn Hai trả lời báo chí, cho biết từ 1-3/4, toàn tỉnh có gần 400 người từ nơi khác trở về (chủ yếu từ TP HCM) được cách ly. Ông Hai cho rằng “những người về quê chứng tỏ không có trách nhiệm với cộng đồng nên phải chịu cách ly tập trung”.  

Hải Phòng có những động thái “lạ lùng” bậc nhất. Ngay từ những ngày đầu tháng 4/2020, địa phương này lập nhiều chốt liên ngành kiểm soát dịch tại các cửa ngõ đường bộ. Bất hợp lý ở chỗ với những con đường kín như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, các tài xế không được khuyến cáo khi xe vào điểm đầu, mà phải chạy cả trăm km mới bị bắt quay đầu, nghĩa là có thể đi đoạn đường 200km vô bổ, mất thời gian, tốn xăng, tốn phí.

Và dù VPCP đã hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND TP Hải Phòng vẫn có tiếp một động thái gây băn khoăn là yêu cầu người dân TP từ chiều 4/4 muốn ra tỉnh ngoài phải xin giấy xác nhận từ chủ tịch cấp huyện và khi quay trở về phải cách ly tập trung.

Tham mưu cho TP ban hành văn bản trên, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế, nói kiểm tra tại cửa ngõ TP thấy số xe cá nhân biển Hải Phòng ra vào rất đông. Lo ngại người dân từ vùng dịch trở về và khai báo không trung thực, Sở tham vấn cho TP cấp giấy phép cho phương tiện nhằm hạn chế người dân đi lại.

Dù Chính phủ đã yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại do thực hiện không đúng tinh thần “cách ly xã hội”, bà Xanh vẫn cho rằng quyết định này của Hải Phòng “không lệch với Chỉ thị 16 của Thủ tướng”.

Luật quy định ra sao về quyền đi lại của công dân?

Vẫn biết mục đích đều nhằm phòng chống dịch, nhưng nơi áp dụng thế này, nơi áp dụng thế khác, thậm chí dù VPCP đã có văn bản hướng dẫn nhưng Hải Phòng vẫn ra “giấy phép con”, nên những biện pháp nêu trên lập tức vấp phải nhiều băn khoăn từ dư luận.

Ở góc nhìn pháp lý, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho rằng những biện pháp trên của Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã vi hiến.

Một con đường bị đổ đất ngăn người qua lại tại Quảng Ninh.
 Một con đường bị đổ đất ngăn người qua lại tại Quảng Ninh.

“Điều 23 Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: “Công dân có quyền tự do đi lại”. Quyền này của công dân chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp pháp luật quy định, ví dụ như khi có tình trạng khẩn cấp. Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm năm 2000... trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ra Nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng; trong trường hợp UBTVQH không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp, khi đó cơ quan chức năng mới có quyền hạn chế người và phương tiện ra, vào vùng có dịch bệnh”, LS Hiệp nói.

Phản bác quan điểm của một số địa phương cho rằng ra các biện pháp trên là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, LS Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á (Hà Nội), giải thích Chỉ thị 16 không phải là một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), mà là văn bản áp dụng pháp luật vào một hoặc một số tình huống pháp lý cụ thể để điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt trong cả nước.

Trong hoạt động chấp hành và điều hành thì chỉ thị của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước có tính mệnh lệnh. Trong tình thế cấp thiết, việc dùng văn bản này là nhanh nhất. 

“Tuy nhiên, cách hiểu của một số cán bộ lại “có vấn đề”, việc áp dụng của một số địa phương rất lúng túng. Cũng vì có nhiều cách hiểu về khái niệm “cách ly toàn xã hội” trong Chỉ thị 16 mà một số địa phương đã có cách làm tùy tiện. Vì vậy, VPCP đã phải có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này một cách thống nhất, nhưng một số địa phương vẫn tiếp tục làm sai”, LS Thuật nói.

“Việc một số địa phương lập các chốt kiểm soát, các địa phương phải hiểu đây chỉ là trạm để kiểm soát y tế. Tức là tất cả các phương tiện đi qua đều được khử trùng, tẩy trùng và đo thân nhiệt, nắm bắt thông tin dịch tễ của từng người… Nhưng lập các trạm kiểm soát để yêu cầu người và các phương tiện của các tỉnh khác quay về địa phương của họ là không có căn cứ pháp lý nào.

Đây là việc làm tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền công dân, sự phát triển của xã hội, phải dẹp bỏ ngay lập tức. Các địa phương chỉ có quyền áp dụng các biện pháp phòng chống dịch mà Chính phủ, BCĐ phòng chống dịch TW, Bộ Y tế… đã khuyến cáo, như bắt buộc đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài nếu không thực sự có việc cần thiết...”, vẫn lời LS Thuật.

Ông Phạm Văn Hòa (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

“Thủ tướng và Chủ nhiệm VPCP đã nói rõ ràng là cách ly xã hội chứ không phải là “ngăn sông, cấm chợ”. Tôi cho rằng những hành động của Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Đà Nẵng… là quá đáng, như vậy là “ngăn sông, cấm chợ”, quá đáng với người dân.

Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo lại chứ không để mỗi địa phương tùy tiện muốn làm gì thì làm như vậy thì người dân sẽ rất phàn nàn, rất phiền vì cho rằng quyền tự do đi lại của công dân bị ngăn cấm.

Chính phủ đâu có cấm cản người dân tự do đi lại đâu? Phải thực hiện đúng quy định Chính phủ chứ có địa phương tập kết nhiều chốt, trạm… không cho xe qua lại, không cho người đi, trong khi đó người ta đi vì lý do rất chính đáng. Chính quyền địa phương nên xem lại quyết định của mình như vậy có cơ sở pháp lý, có hợp lý, hợp tình hay không”.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội):

“Chỉ thị của Thủ tướng không phải là việc “ngăn sông, cấm chợ”, cũng không phải là phong tỏa các địa phương. Tuy nhiên, trong đó có một ý rất rõ ràng là nếu không có việc cần thiết, bắt buộc thì người dân không nên đi ra khỏi nhà.

Như vậy, việc một số địa phương kiểm soát người ra vào là cần thiết để xem có đúng là những người đó bắt buộc, cần thiết phải đi ra khỏi nhà không. Song ngăn cấm thì không đúng tinh thần của Thủ tướng. Việc kiểm soát là cần thiết, phải tìm hiểu rất rõ lý do anh đi vì việc gì, nếu có lý do chính đáng thì đó là chuyện vẫn phải chấp nhận.

Thủ tướng đã công bố dịch trên toàn quốc nên cả nước cần thực hiện đồng bộ thống nhất các biện pháp chống dịch chứ không phải tỉnh này một kiểu, tỉnh kia một kiểu. Tôi nhắc lại kiểm soát là cần thiết nhưng đây không phải là “ngăn sông, cấm chợ” hay phong tỏa”.

LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM):

“Theo quy định pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các tình huống cụ thể, Thủ tướng phải có các chỉ thị để đáp ứng ngay với diễn biến cấp bách mà thực tiễn đặt ra.

Nội dung Chỉ thị 16/CT-Ttg là các giải pháp cụ thể, yêu cầu các cơ quan nhà nước, tập thể, cá nhân trên phạm vi cả nước phải tuân thủ triệt để, nhằm thực hiện đúng đắn những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây là một tình huống có diễn biến nhanh chóng, nếu không phản ứng ngay lập tức thì hậu quả sẽ khôn lường. Vấn đề ở chỗ một số địa phương đã tùy tiện “sáng tạo” ra những biện pháp không đúng quy định pháp luật, nên mới gây ra những băn khoăn trong dư luận”.