Mua tin tố giác tham nhũng như mua “thực phẩm chức năng“

(PLO) - “Tham nhũng ở Việt Nam đang là “trọng bệnh” nên cần phải thuốc đặc trị. Việc mua tin tố giác tham nhũng từ người dân cũng là một giải pháp tốt, nhưng không phải là thuốc, mà thực ra nó giống như ta mua và uống thực phẩm chức năng.” - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) nói với PLVN. 
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES)
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES)
Không thể thay thế “thuốc đặc trị”
CECODES do PGS Dinh đứng đầu đã, đang phối hợp với Cơ quan Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện khảo sát, công bố chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) - một chỉ số trong đó có phản ánh sự trải nghiệm, cảm nhận của người dân về những nỗ lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước. Qua hàng chục ngàn cuộc phỏng vấn mỗi năm, với nhiều phản hồi từ phía người dân mà CECODES nhận được, ông Dinh cho rằng: Việc Ban Nội chính các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng và gần đây là Quảng Ngãi áp dụng cơ chế chi tiền mua tin tố giác tham nhũng để đấu tranh phòng, chống tham nhũng là tốt vì nó cụ thể hóa sự huy động sức dân vào cuộc chiến đầy cam go này. Bởi trước đây, căn cứ để xử lý tham nhũng, tiêu cực thường dựa trên các báo cáo, xác minh của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều này có nghĩa là người dân đang cảm thấy mình ngày càng được tin tưởng hơn trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, thưa ông? 
- Đúng vậy. Đó chính là cái hay của phương pháp này, tuy nó không phải là một cái gì đó quá mới mẻ vì thực tế cho thấy, cũng từ nguồn thông tin tố giác của người dân mà báo chí đã từng phanh phui được nhiều vụ tham nhũng, nhiều quan chức đã “sa lưới” pháp luật rồi đấy thôi.
Hiện nay, chỉ số “cảm nhận tham nhũng” của Việt Nam qua đánh giá của quốc tế là rất thấp - chỉ dừng ở mức 3/10 điểm trong nhiều năm nay, trong khi Singapore chỉ số này là 8,5/10. Tham nhũng ở ta đang giống như một trọng bệnh, vì thế có thêm giải pháp gì đó để cải thiện tình hình thì cũng là điều rất tốt và đáng khích lệ.
Vậy, ông kỳ vọng gì từ giải pháp này?
- Đây là việc làm tốt, nhưng vẫn chỉ là một giải pháp mang tính đặc thù đối với điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam hiện nay chứ chưa thực sự là giải pháp mang tính căn bản. Sự căn bản mà tôi nói ở đây chính là luật pháp phải được thực hiện một cách nghiêm minh. Thử hỏi tại sao các nước phát triển như Phần Lan, Nay Uy, Đan Mạch… hay cùng khu vực với ta là Singapore điểm số người ta cao đến như thế? Rất dễ hiểu vì luật pháp ở đó khiến người ta sợ tham nhũng và không dám tham nhũng do họ xử rất nặng, rất nghiêm. Ở các nước này, người ta còn tạo mọi điều kiện để một ông bác sỹ hay một ông cảnh sát… không thèm tham nhũng do ở đó, chế độ đãi ngộ, lương bổng của họ rất tương xứng với công việc của một viên chức. Ngoài ra, họ còn thực hiện chế độ thanh toán hạn chế dùng tiền mặt, mọi thứ đều được giám sát chặt chẽ qua ngân hàng để chống rửa tiền rồi minh bạch tài sản… Theo tôi, tất cả những cái đó mới là thuốc đặc trị tham nhũng. Ở ta, tham nhũng không phải là chuyện “hắt hơi”, “nhức đầu”… thông thường mà đang là “trọng bệnh”, trong khi chúng ta lại chưa giải quyết được vấn đề thuốc đặc trị thế nên hiện tại chưa trị được tận gốc căn bệnh này. Với thực tế như thế, có thể hiểu việc mua tin tố giác tham nhũng mà chúng ta đang thực hiện không phải là “thuốc đặc trị” mà nói chính xác là nó giống như một loại “thực phẩm chức năng” hơn. Uống vào có thể có  chuyển biển nào đó chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh.
Sẽ có nhiều tin tố tham nhũng vặt?
Để “đánh bắt” tham nhũng rõ ràng là phải có thông tin và càng nhiều thông tin thì càng tốt, thưa ông?
-  Tôi cho rằng, các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng chưa chắc đã thiếu thông tin nhưng cái chính là có xử lý, có làm đến nơi đến chốn hay không mà thôi. Bởi có những trường hợp dư luận nói, truyền thông phản ánh liên tục nhưng không phải việc nào cũng được giải quyết triệt để, xử lý nghiêm. Giờ mua thông tin, nhận thêm phản ánh nhưng liệu sau đó có tiến hành xử lý hay là nhận thông tin rồi để đấy? Tôi giả sử nó sẽ diễn ra theo hướng tôi vừa đặt câu hỏi thì rồi câu chuyện này vẫn luẩn quẩn và khó trị tận gốc mà đã như thế thì không thể coi đó là căn bản được. Đó là chưa nói những thông tin tố giác được đem bán có thể chỉ là những thông tin phản ánh về tình trạng tham nhũng vặt như kiểu tôi đi khám bệnh ở bệnh viện thấy có cô y tá này nhận phong bì, hay đi làm “sổ đỏ” lại gặp bác địa chính kia nhận tiền lót tay… những vấn đề đó nó chưa phản ánh đúng bản chất, mức độ tham nhũng hiện nay ở Việt Nam. 
Ngoài cơ chế mua - bán tin tố giác tham nhũng mà các Ban Nội chính Tỉnh ủy đang thực hiện, lâu nay báo chí vẫn thực hiện việc tiếp nhận thông tin và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc. Ông có so sánh gì từ 2 phương cách tiếp nhận nguồn tin tố giác này?
- Báo chí có chức năng cổ vũ cái tốt và phát hiện, lên án cái xấu, trong đó có tham nhũng. Nếu phát huy mạnh mẽ vai trò của quyền lực thứ tư thì cũng là một cách rất tốt trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác tham nhũng, bởi nhà báo chống tham nhũng không chỉ là đòi hỏi của công việc, nghề nghiệp khiến họ phải hành động mà theo tôi biết, có những nhà báo họ thực hiện nhiệm vụ này bằng cả trái tim cộng với kỹ năng nghề nghiệp đã được đào tạo trong tiếp nhận, xử lý thông tin… nên chắc chắn sẽ chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn cách thu nhận rồi phản ánh thông tin từ phía người dân. Ở các nước phát triển, chỉ cần báo chí đưa tin rằng quan chức này đi nước ngoài hoặc chi tiêu bằng tiền của hãng này, tập đoàn nọ là “ông” đó coi như mệt rồi, tức là có khi phải từ chức, mất chức, mất uy tín vì những thông tin của báo chí truyền thông. 
Tôi nói vậy không có nghĩa là đặt nặng cái này, xem nhẹ cái kia mà cái quan trọng là phải phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng bên cạnh thực hiện việc mua tin tố giác từ người dân.
Nên có cơ chế “tin hay có quyền mặc cả”
Theo ông thì con số tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 10.000.000 đồng/tin tố giác tham nhũng liệu đã đủ để có được những tin tốt, chính xác nhằm  phục vụ việc chống tham nhũng?
- Cá nhân tôi thì vẫn cho rằng khó vận hành được cơ chế này để thực hiện việc phòng, chống tham nhũng thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, nếu trên thực tế có vận hành được và thực sự đây là một kênh hiệu quả sau khi tổng kết rút kinh nghiệm, thì khi đó ta nên tạo cơ chế cho người bán tin quyền  được mặc cả giá bán chứ không dừng lại ở các con số  trần - sàn nói trên, nhưng phải với điều kiện thông tin tố giác đó thực sự chính xác, có giá trị và qua đó nó giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, thu hồi được khối tài sản lớn đã bị tham nhũng về lại cho Nhà nước.  
Trân trọng cảm ơn ông.
“Tôi cho rằng, các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng chưa chắc đã thiếu thông tin nhưng cái chính là có xử lý, có làm đến nơi đến chốn hay không mà thôi. Bởi có những trường hợp dư luận nói, truyền thông phản ánh liên tục, nhưng không phải việc nào cũng được giải quyết triệt để, xử lý nghiêm. Giờ mua thông tin, nhận thêm phản ánh nhưng liệu sau đó có tiến hành xử lý, hay nhận thông tin rồi để đấy?” - PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc CECODES.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com