Mục tiêu 1 tỷ cây xanh

(PLVN) - Sau 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, sáng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đăng đàn” phát biểu làm rõ thêm các vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn.
Đẩy mạnh trồng rừng cũng là gìn giữ, bảo vệ môi trường sống của con người. Ảnh minh họa.
Đẩy mạnh trồng rừng cũng là gìn giữ, bảo vệ môi trường sống của con người. Ảnh minh họa.

Trong rất nhiều vấn đề “quốc kế dân sinh”, Thủ tướng cho biết cần tiếp tục trồng cây, gây rừng, đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị.

Rất đúng! Vấn đề trồng rừng, chưa bao giờ được quan tâm như tại Kỳ họp thứ 10 này.

Ai cũng thấu hiểu, thời gian qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống hàng triệu người dân ở miền Trung, nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra, gây tổn thất lớn về người và tài sản. Bão số 12 đang chuẩn bị đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Thủ tướng cho hay, Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân chủ quan, khách quan qua đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung và sẽ tập trung các giải pháp khắc phục bất cập hạn chế đối với hồ thủy lợi-thủy điện nhỏ, đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử nghiêm các vụ phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa... Chính phủ cam kết, triển khai các giải pháp căn bản lâu dài trước thiên tai, biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng dự báo, lập bản đồ cảnh báo, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ban hành chiến lược ứng phó thiên tai.

“Bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên một cách nghiêm ngặt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng đã tăng trở lại, trên 42%, song so với nhiều nước vẫn còn thấp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nước ta, thiên nhiên ban tặng nhiều thứ quý giá, không phải quốc gia nào cũng có. Trong đó có “rừng là vàng”. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến rừng với tư cách là tiềm năng đặc biệt. “Nước ta có “rừng vàng, biển bạc”, nhân dân ta cần cù” (ngày 28/11/1959). “Nước ta ở về xứ nóng, khí hậu tốt; Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu…” (ngày 16/4/1962).

Bảo vệ rừng vì mục tiêu không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài. Điều này đã Hiến định, Luật định. Chính phủ các nhiệm kỳ từ năm 1945 đến nay đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có chương trình “Trồng mới 5 triệu ha rừng” năm 1998. Đáng tiếc, rừng ngày càng bị đối xử “tệ bạc”, tình trạng phá rừng xuất hiện nhiều nơi, kể cả rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển vì cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Bảo vệ rừng đang là một trong các nghịch lý lớn, mà Việt Nam cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ, vì sự phát triển, trước hết của chính dân tộc mình.

Đã đến lúc con người không thể tiếp tục “đùa giỡn” với không gian sống của mình mà đợt lũ lụt miền Trung vừa qua là lời thức tỉnh.