Muôn cách hành xử thời Covid

(PLVN) - Dường như các “anh hùng bàn phím” đã vội vã quên ngay chuyện bị xử phạt, bị cộng đồng mạng “ném đá”, bị dư luận chê bai, bị người thân chỉ trích vì những thông tin thất thiệt, bịa chuyện trên trang cá nhân của mình khi dịch Covid-19 mới xảy ra. 
Khẩu trang y tế 'vỏ ghi kháng khuẩn, ruột không kháng khuẩn' ở Gia Lại bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh Thanh Niên.
Khẩu trang y tế 'vỏ ghi kháng khuẩn, ruột không kháng khuẩn' ở Gia Lại bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh Thanh Niên.

Giờ đây, khi dịch quay trở lại và bùng phát, các “anh hùng bàn phím” ngay lập tức tỏ ra lợi hại hơn xưa, họ thu hút sự chú ý bằng cách tạo khẩu nghiệp và tự làm xấu mình.

Mở đầu màn diễn lại là một nữ ca sỹ tên tuổi và chọn một cách thể hiện rất “đẳng cấp” là mạo danh Phó Thủ tướng đưa ra một lời khuyên bảo. Lập tức, cô nàng bị xử phạt 7,5 triệu đồng nhưng án phạt của cộng đồng dành cho cô thì không có tiền nào nộp nổi.

Khi Đà Nẵng căng mình chống dịch và cả nước chung sức chung tay ủng hộ thì một nhân vật nữ sowbiz khác đã cười cợt khi dựng nên màn hài kịch phỏng vấn xin việc người Đà Nẵng. Rồi tài khoản cá nhân mang tên một cô gái khác đã học tập đàn chị của mình đưa lên dòng cảm xúc mong mọi người chết bớt “thì càng vui” khi có trường hợp đầu tiên tử vong vì Covid-19.

Tiếp tục, trên vùng đất cao nguyên, khi phát hiện một nữ sinh viên mắc Covid-19, ba người không quen biết tung tin là cô về nhà, đi lễ nhà thờ... mà không khai báo. Tung tin thất thiệt chẳng những gây hoang mang trong cộng đồng mà còn là cách tốt nhất để phá hoại sự chung tay, góp sức, đồng lòng vào việc chống dịch như chống giặc của toàn dân.

Không dừng ở “nói đùa”, một số đối tượng lợi dụng tình hình để rục rịch tăng giá khẩu trang, nước sát khuẩn cũng là việc đáng lên án. Công an vừa phát hiện một cơ sở sản xuất khẩu trang giả, cảnh báo những người kinh doanh hám tiền mà đùa giỡn với chết chóc của đồng loại.

“Ăn theo” Covid phải được xác định như một tội ác chống lại đồng bào, từ những kẻ đưa lối, dẫn đường ma quỷ đến những người lợi dụng dịch bệnh để kiếm tiền. Tòa án vừa đưa ra xét xử vụ làm giả quần áo bảo hộ y tế của một công ty và những người thực hiện đã phải nhận bản án nghiêm khắc, đây cũng là lời cảnh báo sát sườn với các hành vi hấp lại khẩu trang, găng tay đã qua sử dụng rồi tung ra thị trường kiếm lời.

Trái với cách hành xử trên, có doanh nghiệp đã gửi tặng Đà Nẵng máy thở, nhiều tổ chức, cá nhân kêu gọi hoặc trực tiếp chung tay với thành phố này. Và, ngay tại tâm dịch này, khẩu trang vẫn đầy trong hiệu thuốc, bán 60.000 đồng một hộp. Người dân đến các điểm phát khẩu trang miễn phí và chỉ lấy đủ dùng. Những hành vi ứng xử đó khiến mọi người tin rằng tâm thế vững vàng của những người dân sẽ đẩy lui dịch bệnh.