Nghị lực mãnh liệt của bé gái “cánh cụt”

(PLO) -Sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại không may mắn khi hai tay cụt đến tận vai, cột sống cong vẹo, từ lúc bắt đầu chập chững biết đi, em Võ Ngọc Ân (6 tuổi) đã theo bà nội len lỏi khắp các ngóc ngách ở chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) bán vé số mưu sinh. Dù vất vả nhưng nghị lực sống mãnh liệt của cô bé khiến nhiều người cảm phục. 
Bé Ân cùng bà nội.
Bé Ân cùng bà nội.

Cảnh nghèo “truyền đời”

Phòng trọ nhỏ của hai bà cháu chỉ chừng 15m2 nằm sâu trong con ngõ hẹp ở đường Hưng Nhơn – Bàu Góc (ấp 3, xã tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Căn phòng chỉ có một chiếc vô tuyến và vài ba thú nhồi bông bé xíu đã cũ, là đồ chơi hàng ngày của bé Ân (còn gọi Nhí). 

Ngồi một góc trong phòng, khẽ cựa mình vì đau nhức, cô bé cất tiếng khóc thé lên. Bà Trần Thị Láng (52 tuổi, bà nội Ân) nhẹ nhàng gỡ bỏ chiếc áo hỗ trợ cột sống trên người đứa cháu, giải thích: “Cháu bị vẹo cột sống, xương ép vào tim, bác sĩ bảo nếu không mổ sẽ chết.

Nhưng vì sức khỏe nó yếu, lại không có tiền, nên trước mắt, tôi chỉ cho cháu mặc áo hỗ trợ cột sống. Để mua được chiếc áo này, tôi cũng phải gom góp rất lâu mới đủ tiền”.

Làn da đen sạm vì mưa nắng, cùng với những vết đồi mồi nổi lên khắp khuôn mặt khiến bà Láng già hơn tuổi. Nén giấu những giọt nước mắt một cách vụng về, bà kể mình sinh ra ở một vùng quê nghèo thuộc ấp Long Thành (thị trấn Phước Long, tỉnh Bạc Liêu). Chồng mất sớm, bà ở vậy gồng gánh nỗi nhọc nhằn trên vai nuôi hai đứa con nhỏ. 

Ở vùng sông nước, đất đai, vườn tược không có, bà phải quần quật làm thuê làm mướn suốt ngày nhưng vẫn bữa đói bữa no. Mới hơn 10 tuổi, hai con của bà đã phải nghỉ học giữa chừng, cùng mẹ đi hứng trấu thuê cho người ta. 

Theo lời kể, thời đó, cả ba mẹ con bà thay nhau hứng trấu suốt đêm, nhưng cũng chỉ được 18 nghìn đồng. Có năm đói khát, tết đến xuân về trong nhà cũng không có được một đấu gạo để ăn. Nhìn quanh ngôi nhà tuềnh toàng, cột bằng cây, còn lợp lá và che bạt xung quanh không đủ che mưa che nắng, ba mẹ con ôm nhau khóc nức nở. 

Thấy hoàn cảnh thương tâm của bà, một người em thân thiết rủ lên Sài Gòn mưu sinh. Người phụ nữ nghe lời, từ giã quê hương rồi dắt díu hai con nhỏ lên thành phố xa lạ làm thuê, mong kiếm miếng cơm sống qua ngày.

Lên thành phố được một thời gian, người con trai của bà là anh Võ Tri Thức đem lòng yêu thương một người con gái cùng chỗ làm. Bà Láng mừng rỡ làm lễ ăn hỏi cho con.

Không lâu sau đó, người phụ nữ hớn hở nhận được tin con dâu mang thai và háo hức chờ ngày đứa trẻ ra đời. Thế nhưng, vì cuộc sống khó khăn, trong những ngày bụng đã vượt mặt, người con dâu vẫn phải làm lụng vất vả nên ảnh hưởng sức khỏe, chuyển dạ sinh non. 

Bế trên tay đứa con chỉ 1,7kg, cột sống bị xiêu vẹo, hai tay bị cụt đến vai, một bên lộ ra một khoảng tròn, một bên là mẩu thịt có hình dạng giống như ngón tay, người mẹ trẻ ngã quỵ, nước mắt ngắn dài rồi lâm bệnh. Đứa bé ấy là Ân.

Thương con, thương cháu, bà Láng chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho đứa trẻ kém may mắn. Nhớ lại khoảng thời gian đó, bà kể:

“Bé Nhí sinh ra thiếu tháng nên sức khỏe yếu ớt, phải nuôi trong lồng kính suốt mấy tháng mới dần dần ổn định. Mẹ nó cũng bị ốm nặng, phải nằm viện một thời gian dài. Thấy vợ chồng con trai cũng vất vả, làm còn không đủ ăn, nhìn thấy con lại buồn nên tôi đón cháu về chăm sóc, nuôi nấng”. 

Không giống như những đứa trẻ bình thường, phải đến hơn 4 tuổi, Nhí mới chập chững bước đi những bước đầu đời. Thời gian đầu sống cùng bà, Nhí chỉ biết nằm một chỗ, nên đến khi đi được, em rất hào hứng. Nhìn thấy đứa cháu từng ngày lớn lên, bà Láng không khỏi vui mừng. 

Bà tâm sự: “Trước đây, thời gian ở bệnh viện của nó nhiều hơn ở nhà. Tôi nằm từ hành lang bệnh viện này đến bệnh viện khác để chữa trị cho cháu. Cho nên, khi thấy cháu vui vẻ cười nói, tôi vui lắm”.

Nhắc đến nghề bán vé số, bà Láng ái ngại cho biết chỉ mới bán được hơn một năm trở lại đây. “Trước đây, tôi rán bánh để bán, nhưng có một lần Nhí tập đi không vững, không may ngã vào chảo dầu. Tôi sợ quá nên dẹp tiệm bánh rán từ đó và quyết định đưa cháu đi bán vé số mưu sinh.

Đưa bé đi hít bụi đường mỗi ngày, tôi cũng thương bé lắm, nhưng không còn cách nào khác vì để Nhí ở nhà một mình không yên tâm”, người bà xót xa kể. 

Bám đường mưu sinh

Theo bà Láng, công việc của hai bà cháu bắt đầu từ 4h30 sáng và kết thúc vào lúc giữa trưa. Do bé Ân sức yếu, không đi lại được nhiều nên mỗi ngày, người bà chỉ bán 150 tờ. 

Trước đây, hai bà cháu chỉ bán vé số ven huyện Bình Chánh. Đi bán cả ngày nhưng cũng không được bao nhiêu, lại bị nhiều người xua đuổi, số tiền lời kiếm được không đủ để hai bà cháu trang trải nên bà Láng chuyển vào trung tâm thành phố. Dù đi xa một chút nhưng đông người, nhiều người thương tình mua giúp, hai bà cháu cũng có được đồng ra đồng vào. 

Cứ mỗi sáng sớm, lúc 4h sáng, bà đánh thức cháu dậy, vệ sinh cá nhân rồi đi bộ ra đường lớn để kịp bắt xe bus từ cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh) vào chợ Bến Thành.

Con đường dài cả chục cây số đầy ổ gà, ổ voi, mùa mưa càng lầy lội khiến cho bước đi của hai bà cháu càng thêm khó nhọc. Song hai bà cháu chưa bỏ buổi nào vì “nếu không bán thì hôm đó sẽ không có tiền để trang trải”. 

Xót xa nhìn đứa cháu đang dùng chân nghịch các bức vẽ, bà Láng kể, những ngày đầu theo bà đi bán vé số, Ân không quen dậy sớm, lại đi bộ nhiều, nên người rất mệt mỏi. Do đó, hai bà cháu không thể đi xa mà chỉ bán quanh quẩn ở khu vực chợ Bến Thành. Sau này đi nhiều nên cô bé quen dần, không mệt nữa.

Dù không có tay, nhưng Ân vẫn cố gắng xoay sở giúp bà bán vé số. Người bà cho biết: “Mỗi khi tới chợ, tôi kẹp 50 tờ vào cổ của bé. Bé cúi mặt xuống để giữ những tờ vé số khỏi rơi và bắt đầu hành trình mưu sinh. Để mua, khách phải tự lấy vé, rồi kẹp tiền lại vào cổ cho bé”. 

Cứ thế, người dân xung quanh chợ Bến Thành dần trở nên quen thuộc với cô bé khuyết tật nhưng gương mặt tươi sáng, bụ bẫm cùng nụ cười trên môi mời mua vé số.

Nhiều người bán hàng, uống cà phê sáng quanh đó đều cảm thương cho số phận của bé đã nhiệt tình mua giúp. Một số khách còn cho thêm tiền, đồ ăn. Mỗi lần như thế, Ân đều không quên nói lời cám ơn và chúc một ngày tốt lành với các vị khách. 

Đến khoảng 11h trưa, khi tờ vé số cuối cùng đã bán hết, hai bà cháu lại bắt xe bus về nhà. Trong căn phòng nhỏ, cô bé tự dùng chân để thực hiện một số sinh hoạt cá nhân. “Em có thể đánh răng, rửa mặt, tự ăn cơm, có thể nói chuyện làm cho bà vui”, Ân vui vẻ kể. Còn việc tắm gội, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, người bà phải làm giúp. Mỗi lần cố gắng, Ân sẽ bị đau. 

Cô bé chia sẻ, cuộc sống vất vả nhưng em không cảm thấy buồn, vì “em có bà nội yêu thương, còn có rất nhiều anh chị, cô chú xa lạ thương em. Em phải sống thật tốt, phải luôn cười vui để bà nội được vui lòng”. 

Nói về ước mơ của mình, nét mặt Ân trở nên trầm tư. Em nói: “Em có hai đứa em, em rất nhớ chúng. Lâu lắm rồi em chưa được về nhà. Nhiều lúc em cũng buồn vì một số bạn bè xung quanh chỉ trỏ, trêu em không có tay. Cũng vì em mà bà nội càng khổ cực. Em ước mình có một đôi tay để có thể làm việc nhà giúp bà”. 

Nghe những câu thỏ thẻ của cháu, người bà không ngăn được nước mắt. Bà cho biết, bây giờ, ước mơ lớn nhất của bà là năm tới có thể đưa Ân đến trường.

“Cháu nó đã 6 tuổi rồi nhưng chưa qua bất kì lớp mẫu giáo nào. Tới đây, cháu vào lớp một, tôi không biết có xoay xở được chi phí học hành cho cháu hay không. Trước mắt, tôi chỉ biết cố gắng thật nhiều, để đứa cháu của mình luôn được vui cười, hạnh phúc”, bà Láng tâm sự. 

Cứ mỗi sáng sớm, lúc 4h sáng, bà đánh thức cháu dậy, vệ sinh cá nhân rồi đi bộ ra đường lớn để kịp bắt xe bus từ cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh) vào chợ Bến Thành. Con đường dài cả chục cây số đầy ổ gà, ổ voi, mùa mưa càng lầy lội khiến cho bước đi của hai bà cháu càng thêm khó nhọc. Song hai bà cháu chưa bỏ buổi nào vì “nếu không bán thì hôm đó sẽ không có tiền để trang trải”.