Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Đất có trước mốc lộ giới, sao không đền bù cho dân?

(PLO) - Báo PLVN liên tục nhận được phản ánh của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án mở rộng đường Gia Lách - Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) về vệc họ không được bồi thường về đất. Liệu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh dựa vào Nghị định 203 của Hội đồng Bộ trưởng năm 1982 để từ chối bồi thường cho dân có đúng quy định?
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Dân bức xúc vì không được đền bù
Ông Nguyễn Thế Mỹ (SN 1955, thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) phản ánh: “Gia đình có mảnh đất do ông cha để lại, được vào sổ mục kê và bản đồ địa chính xã, hàng năm có nộp thuế đầy đủ. Sáng 6/12/2014, chính quyền huyện đã huy động lực lượng đến cưỡng chế, đập phá nhà của gia đình tôi để thực hiện dự án mở rộng và nâng cấp tuyến đường Gia Lách – Xuân Hội mà không được đền bù. Theo nội dung thông báo là “thực hiện theo Nghị định 203 của Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ngày 21/12/1982”.
Một số hộ dân là hàng xóm của ông Mỹ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông Hoàng Đình Từ (đại diện 50 hộ dân thị trấn Nghi Xuân) cho biết: “Diện tích đất các hộ bị thu hồi đã có trong bản đồ số 299,  do ông cha để lại hoặc  chuyển nhượng từ những năm 1983. Chúng tôi có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu thu hồi thì phải đền bù cho chúng tôi như đất hợp pháp…”. 
Không đền bù đất nằm trong hành lang?
Trả lời khiếu nại của người dân, ngày 13/12/2013 UBND huyện Nghi Xuân có Văn bản số 1124 cho rằng: Tại hồ sơ lưu trữ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Tĩnh xác định tháng 6/1993, Sở GTVT đã hoàn thành cắm 300 cột mốc lộ giới tỉnh lộ 1 theo Nghị định 203 nhằm xác định chỉ giới xây dựng tỉnh lộ và phạm vi đất thuộc tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Sau đó, huyện Nghi Xuân có Thông báo số 18 ngày 31/6/1993 về việc đóng cọc mốc 203 và cắm biển ranh giới tuyến đường Gia Lách - Xuân Hội, theo đó thông báo nêu rõ: "Do số lượng mốc có hạn nên mới đóng được từ Xuân An đến Xuân Đan, cự ly đóng mốc theo chiều ngang là 24m (tính từ tim đường mỗi bên là 12m). Trong phạm vi đóng mốc 203 cấm không được làm nhà ở, lều quán bán hàng, đổ vật liệu, trồng cây lâu năm".
" Nhà nước chưa có quy định đền bù về đất đai khi thu dồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế. Việc năm 1995 UBND huyện có chủ trương giải tỏa hành lanh tỉnh lộ 1 trong phạm vi mốc lộ giới đã được Sở GTVT cắm mốc từ tháng 6/1993, không tính toán đền bù về đất đai đối với phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông tỉnh lộ 1 (nay là quốc lộ 8B) là đúng quy định pháp luật" - nội dung thông báo thể hiện.
Theo đó, UBND huyện Nghi Xuân cũng ra thông báo không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân?
Cần đảm bảo công bằng cho người dân
Luật sư Nguyễn Vinh Diện, Trưởng phòng Luật sư Vinh Diện và Cộng sự (Đoàn Luật sư Nghệ An) cho biết: “Đất của người dân có trước Nghị định 203, việc cắm mốc theo Nghị định này không đương nhiên làm mất quyền sử dụng đất của người dân, trừ khi có quyết định thu hồi đất đúng với các quy định của pháp luật hoặc người sử dụng đất hiến đất, trả đất…Việc không đền bù cho người dân là không đúng quy định pháp luật, bởi lẽ năm 1993 Nhà nước ta đã có các quy định cụ thể về thu hồi đất và bồi thường. Thời điểm này, cho dù đất đã được cắm mốc theo Nghị định 203 nhưng đất của họ đã được sử dụng trước thời điểm cắm mốc thì người dân vẫn được bồi thường…”. 
Việc mở rộng quốc lộ là chủ trương đúng, việc cắm mốc để chỉ rõ hành lang an toàn giao thông là điều cần thiết, tuy nhiên việc mảnh đất của người dân được Nhà nước công nhận trước khi cắm cọc mốc, nhưng đến lúc làm dự án lại không được đền bù thì cần xem xét lại./.