Người đàn ông đột tử sau khi đi nhổ răng tại phòng khám tư

(PLO) - Cái chết đột ngột của người chồng sau khi đi nhổ răng về chỉ hơn 1 ngày khiến người vợ và thân nhân nạn nhân đặt nhiều nghi vấn. Dù phía cơ quan chức năng kết luận sự việc không có dấu hiệu tội phạm, vậy nhưng gia đình người xấu số vẫn hoài nghi cái chết của thân nhân và cho rằng còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ...
Người thân của anh Tuấn đặt nhiều nghi vấn
Người thân của anh Tuấn đặt nhiều nghi vấn
Cả ấp xót thương người đàn ông hiền lành
Người xấu số là anh Trần Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Thông tin từ người nhà anh Tuấn cho biết, từ ngày 23 đến ngày 25/1/2015, anh Tuấn bị đau răng hàm trong cùng phía bên trái của hàm răng dưới. Ngày 24/1, anh Tuấn đi tới một bệnh viện gần nhà để nhổ răng tuy nhiên bị từ chối. 
Quá đau nhức nên sáng ngày 25/1/2015, anh Tuấn cùng vợ chở nhau tới Phòng khám Đa khoa Vạn Phước (Phòng khám Vạn Phước, thuộc Công ty TNHH Phòng khám Đa khoa Vạn Phước) trên địa bàn quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) để nhổ răng.
“Lên tới nơi là khoảng 9h sáng. Tôi ở ngoài đợi, còn chồng tôi vào trong để nhổ răng. Anh Tuấn được Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Tùng nhổ răng. Ca nhổ răng kéo dài đến khoảng 11h cùng ngày, anh Tuấn đi ra, mang đơn lấy thuốc. Khi này, anh Tuấn bị tê cứng hàm không nói chuyện được phải ra dấu bằng tay. Miệng chồng tôi bị rỉ máu và bị đau đầu. Lấy thuốc xong, chúng tôi chở nhau về vì anh bị đau đầu nên phải đi chậm. Vừa đi vừa nghỉ, gần 13h mới về tới nhà”, chị Cao Thị Trâm (SN 1983) vợ anh Tuấn kể lại.
Sau khi về tới nhà, anh Tuấn vẫn tiếp tục bị đau đầu, miệng tê, rỉ máu. Qua điện thoại, bác sĩ khuyên anh nên ngậm nước đá để cầm máu và uống thuốc. Sau khi cố gắng ăn, uống nước canh, anh Tuấn uống thuốc nhưng các triệu chứng trên vẫn không suy giảm. Chị Trâm thuật lại: “Cả ngày hôm sau chồng tui vẫn đau đầu, hàm răng thì đỡ tê hơn, anh có thể nói nhỏ nhưng ăn uống vẫn khó khăn chủ yếu uống nước cháo. Chồng tôi có kể khi nhổ răng bác sĩ có tiêm thuốc tê 2 lần. Chiếc răng rất khó nhổ, phải khoét một lỗ sâu, sau khâu lại, máu rỉ ra từ đó”. 
Biên bản làm việc của Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ
Biên bản làm việc của Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ
Tới khoảng 23h ngày 26/1/2015, anh Tuấn kêu đau và vào phòng uống thuốc, ít phút sau, chị Trâm nghe tiếng kêu nhỏ liền chạy vào phòng thì thấy chồng đã nằm ngay đơ ra rồi. “Anh chết ngửa mặt lên trời, tôi hô hoán bà con tới. Gọi điện báo cho bác sĩ thì họ bảo sao không đưa đi viện. Tới 7h sáng ngày 27/1, chúng tôi làm việc với phòng khám, phía phòng khám nói để các cơ quan chức năng xác minh sự việc”, người vợ thuật lại.
Về phần hoàn cảnh gia đình, được biết, 6 năm trước anh Tuấn và chị Trâm cưới nhau. Hai người mới có một con gái được 3 tuổi. Anh Tuấn từng tốt nghiệp đại học và đi làm theo chuyên môn rồi nghỉ ngang về nhà buôn bán phụ tùng xe máy. Nói về cái chết của anh Tuấn, một người hàng xóm nói: “Ở ấp này ai cũng thương mến thằng Tuấn, cháu nó hiền lành, chăm chỉ làm ăn lo cho vợ con, mà lại ca hát rất hay. Hôm bữa, nghe tin cháu nó chết mà chúng tôi thương lắm, cả xóm kéo đến đông nghịt”.
Chết do bệnh lý về tim?
Bà Mai Thị Hiệp cho biết, sau cái chết của con bà có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Ngày 27/2/1015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an huyện Phụng Hiệp có thông báo số 15/QĐ: “Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố”. Nội dung khẳng định kết quả điều tra, bản kết luận giám định pháp y về tử thi kết luận nguyên nhân tử vong của anh Trần Thanh Tuấn là do bệnh lý cơ tim. Cơ quan Cảnh sát Điều tra xét thấy không có dấu hiệu tội phạm nên ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đúng luật định. 
Ngày 10/3/2015, Thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ đề nghị Phòng khám Vạn Phước có văn bản trả lời đơn khiếu nại của bà Hiệp. Ngoài ra, bà Hiệp cũng nhận được công văn CV 01-VP/2015 ngày 25/2/2015 của Phòng khám Vạn Phước giải trình với Sở Y tế TP.Cần Thơ về quá trình điều trị cho anh Tuấn.
Nội dung công văn nêu: Bệnh nhân đến Phòng khám Vạn Phước khám răng trong tình trạng tỉnh táo hoàn toàn, mạch 76 lần/ phút, nhiệt độ 370C, huyết áp 110/60 mmHg. Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh và trước đó đã 2 lần nhổ răng tại phòng khám. Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Tùng là người trực tiếp điều trị là có bằng cấp chuyên môn, đã làm đúng quy trình. Những biến chứng cấp khiến bệnh nhân tử vong khi nhổ răng như: Sốc thuốc tê, sốc do đau, biến chứng chảy máu cấp đã không xảy ra. 
Cũng theo công văn, những biến chứng muộn như chảy máu nặng kéo dài sau khi về nhà cũng không xảy ra, hoặc biến chứng nhiễm trùng nướu cũng không xảy ra vì bệnh nhân không sưng đau, không sốt... và bệnh nhân vẫn đi đám cưới bình thường. Kết quả giám định pháp y kết luận: Nguyên nhân tử vong là do bệnh lý cơ tim, nồng độ cồn trong máu cao 2,17 mmol/l, không liên quan đến nhổ răng. 
Ở phần nội dung của công văn kể trên còn thể hiện, sau khi nhổ răng tình trạng bệnh nhân hoàn toàn ổn định nên bác sĩ cho về kèm theo toa thuốc uống 5 ngày. Tới 18h ngày 25/1/2015, bệnh nhân có điện thoại báo với Bác sĩ Tùng là hết chảy máu. Sáng ngày 26/1, bệnh nhân điện thoại cảm ơn bác sĩ Tùng và báo không đau răng và không chảy máu nên bệnh nhân đi đám cưới. Sau đó, đến 4h sáng ngày 27/1, người nhà bệnh nhân báo cho bác sĩ bệnh nhân đã đột tử.
Nhiều dấu hiệu bất thường chưa sáng tỏ?
Xung quanh cái chết của anh Tuấn, người thân của anh vẫn còn nhiều nghi vấn. Chị Trâm, bà Hiệp và một số thân nhân khác của anh Tuấn đều khẳng định, thời điểm khám nghiệm pháp y tử thi anh Tuấn (khoảng 13h ngày 27/1/2015), bác sĩ khám nghiệm có nói nguyên nhân do dùng thuốc gây tê quá liều. 
“Khi chết hai má và vùng miệng con tôi đều bầm tím, đầu móng chân, móng tay cũng bầm, ở lưng cũng bầm tím dấu hiệu như bị trúng độc. Từ xưa đến nay con tôi lại khỏe mạnh, không có bệnh lý về tim”, bà Hiệp cho biết. Đồng quan điểm, một người thân của anh Tuấn cũng khẳng định, khi chết thi thể anh Tuấn có những dấu hiệu không bình thường. Khi bác sĩ mở khoang miệng, máu thấm đỏ mấy chiếc khăn. Trong thi thể vẫn còn tồn dung dịch thuốc đã uống.
“Trong y học, việc sử dụng thuốc tê quá liều sẽ gây nên ngộ độc, biến chứng ngộ độc gây tử vong. Tôi nghĩ Sở Y tế TP.Cần Thơ cần phải thành lập hội đồng chuyên môn xác định quy trình khám điều trị của phòng khám đối với bệnh nhân Tuấn có đúng không? Bác sĩ Tùng đã sử dụng loại thuốc gây tê nào, liều lượng là bao nhiêu. Bác sĩ có dùng thuốc gây tê quá liều hay không? Tại sao sau khi rời phòng khám về nhà đến lúc tử vong bệnh nhân đều bị tê cứng hàm, nói năng khó khăn, phải uống nước cháo, máu ở miệng cứ rỉ ra... Các vấn đề này đều cần phải làm rõ cho khách quan”, một y sĩ ở xã Thạnh Hòa nêu quan điểm về sự việc.
Dùng thuốc tê không đúng có thể gây nhiễm độc tim
Dùng thuốc tê không đúng có thể gây nhiễm độc tim, có thể dẫn tới tử vong. Biến chứng này có thể xảy ra một cách đột ngột với bất kỳ loại thuốc gây tê nào. Thông thường loại thuốc gây nhiễm độc nhẹ là Xylocain. Nhiễm độc nặng nhất khi sử dụng thuốc tê mạnh như: Etidocain, Bupivacain. Biến chứng nhiễm độc là do gia tăng đột ngột nồng độ thuốc tê trong máu, một số trường hợp có thể do hấp thu thuốc nhanh vào máu bất thường vì sử dụng nồng độ thuốc cao hoặc sử dụng thuốc với số lượng lớn. Nhiễm độc thuốc tê tác động ở mức thần kinh trung ương và ở tim. Có tác động làm giảm co bóp cơ tim. 
(Theo wiki.benhonline.com)
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com