Người mặc 'sắc phục ngành' dửng dưng xem đánh nhau và câu chuyện chị hàng thịt lợn

(PLO) - Tưởng như câu chuyện người mặc sắc phục ngành dửng dưng xem đám đông đang hành hạ dã man một nạn nhân và chuyện chị bán thịt lợn bị hắt dầu nhớt, đồ bẩn vào người - chẳng có gì liên quan đến nhau. Nhưng không, đó là chính là nỗi buồn của xã hội, nỗi buồn của sự cạnh tranh, của sự vô cảm...
Người mặc 'sắc phục ngành' dửng dưng xem đánh nhau và câu chuyện chị hàng thịt lợn

Một phụ nữ chăn nuôi lợn ở Hải Phòng tự “giải cứu” bằng cách mổ lợn nhà đem thịt bán với giá rẻ, lập tức bị người ta hắt phân lợn trộn dầu bẩn vào người và thịt. Hành vi “cạnh tranh” bẩn thỉu này cho thấy, giới bán thịt chuyên nghiệp ủng hộ lời kêu gọi từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như thế nào và đó là câu trả lời xác đáng cho việc tại sao giá lợn hơi rất rẻ mà giá thịt vẫn cao.

Tất nhiên, hành vi này chỉ là một sự đối phó đơn lẻ, bên cạnh đó có các động thái giải cứu thực sự như một đơn vị bộ đội đặt mua lợn ở người chăn nuôi hoặc nhà máy chế biến thực phẩm tăng lượng nhập lợn từ các trang trại. Dù sao sự giải cứu này cũng chỉ nhất thời, cục bộ, cái phải nghĩ tới là làm sao không phải giải cứu nữa ở một tương lai lâu dài và nỗi lo trước mắt là chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, thịt lợn sẽ trở nên khan hiếm.

Nhân chuyện cạnh tranh nhỏ nhoi này nhưng thể hiện sự độc quyền, không chịu chia sẻ “miếng bánh” với những người đang khó khăn, có thể thấy hiện tượng này khá phổ biến trong xã hội chúng ta. Nhỏ như việc hai cửa hàng ở cạnh nhau tìm mọi cách để triệt hạ nhau, từ vứt xác động vật chết vào nhà đến gây sự đánh người, lớn như việc các công ty phần mềm ăn cắp công nghệ, bản quyền của nhau, tranh giành thị phần mà hầu như việc kiện cáo, giải quyết bất lực.

Mới đây thôi, VTV cáp không được mua bản quyền các trận đấu bóng đá của Cúp vô địch châu Âu nữa do nạn ăn cắp bản quyền quá phổ biến ở nước ta.

Điều đó gây thiệt thòi và là nỗi buồn cho những đệ tử của môn túc cầu giáo, nhưng cũng phải nhớ rằng, ngay cả những trận bóng đá trong nước được truyền hình trực tiếp trên VTV thì những ti vi bắt sóng không trả tiền bị cắt sóng, bà con nông dân ở nông thôn đã chịu thiệt thòi không bao giờ được xem bóng đá và dù có bị cắt sóng thì người ta cũng đành chịu. Vì lắp đặt truyền hình trả tiền là một thứ xa xỉ đối với họ.

Sự cạnh tranh kinh doanh ở nước ta diễn ra muôn hình, muôn vẻ và kết quả là người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Chỉ riêng cách ứng xử này thôi cũng đủ làm lùi lại sự văn minh xã hội.

Tại một diễn biến khác, không liên quan đến thịt lợn cũng như sự cạnh tranh nhưng thuộc phạm trù “giải cứu” và văn hóa ứng xử.

Cơ quan chức năng đang vào cuộc sau khi một clip trên mạng quay cảnh một người mặc sắc phục ngành đứng xem một nhóm người đang xúm vào đánh đập dã man một người mà không chịu “giải cứu” hoặc can thiệp gì cả. Động thái của người này cũng giống như sự vô cảm của hàng thịt khi không muốn ai bán thịt ngoài mình.

Ngược lại với sự dửng dưng này, một trường hợp khác mặc cảnh phục, đi xe máy “dẫn giải” một chiếc xe tải, vừa đi vừa gọi điện thoại ngùng ngoằng trên đường. Anh ta không làm nhiệm vụ vào thời điểm ấy mà vẫn “bắt xe”, gây sự phản cảm cho rất nhiều người.

Những hành vi đó, đơn giản là thể hiện một cách ứng xử kém cỏi, làm xấu đi bộ mặt xã hội của chúng ta!