Nhiều dòng sách mới “lên ngôi”

(PLVN) - Qua mùa dịch và xu hướng sách online trở nên phổ biến, nhiều dòng sách mới có đất sống, bán chạy hơn hẳn những năm trước đây.
Dòng sách y học và thường thức gia đình được  nhiều người chú ý.
Dòng sách y học và thường thức gia đình được nhiều người chú ý.

Trong Hội sách online vừa tổ chức trực tuyến mới đây, có một hiện tượng thú vị được những người trong ngành xuất bản ghi nhận, đó là sự tăng mạnh sức tiêu thụ của nhiều dòng sách trước đến nay ít được bạn đọc tại chỗ quan tâm: sách lý luận, sách hướng nghiệp, giáo trình dạy nghề cho đối tượng bạn đọc nông thôn.

Số sách này bán chạy chủ yếu thuộc về 51% số sách bán cho khách hàng ở các tỉnh ngoài Hà Nội và TP.HCM. Cũng trong hội sách, bất ngờ về đơn hàng sách bán đi tỉnh thuộc về NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, đơn vị đạt doanh thu cao nhất cho mảng này, khoảng 130 triệu đồng, với các đầu sách lý luận chính trị, sách tham khảo giá trị.

Đây là điểm khác biệt về kết quả của hội sách online so với các hội sách tại chỗ trước đây. Ở những hội sách tại chỗ, hầu hết người mua sách tập trung vào hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội với các đầu sách yêu thích thuộc mảng văn học, kĩ năng sống, ngoại ngữ…

Việc tổ chức hội sách trực tuyến với trưng bày đa dạng, phong phú đầu sách, giảm giá tốt… đã thu hút một lượng mới người mua từ các tỉnh thành, thậm chí là vùng sâu vùng xa. Từ đây, cũng có thể mở ra một hướng mới cho các nhà làm sách: nhu cầu ở tỉnh thành về các dòng sách thiết yếu không phải là ít, chỉ có điều người làm sách chưa tiếp cận họ một cách hiệu quả mà thôi.

Trong mùa dịch Covid, một số dòng sách khác trước giờ không được chú ý nhiều, nay cũng “lên ngôi”. Đó là các dòng sách y học và thường thức gia đình. Theo ghi nhận những tháng đầu năm, ngoài các mảng sách bán chạy top đầu như văn học, kĩ năng sống, thiếu nhi… thì 2 dòng sách nói trên có mức độ tăng trưởng đột biến, vượt trội so với cùng kì hàng năm: Gấp từ 2 - 3 lần.

Nhiều quyển sách thường thức được dịch từ nước ngoài như Thực phẩm khéo dùng nên thuốc, Tâm bệnh học, Những phương pháp phục hồi sức khỏe theo tự nhiên… được bày bán ở những kệ sách “bán chạy” trong các nhà sách.

Năm 2020 cũng chứng kiến sự ra mắt của nhiều đầu sách hay liên quan đến thường thức, sức khỏe và cả những trải nghiệm trong dịch Covid của các tác giả trong nước: Đại dịch, Tim không thình thịch của bác sĩ Trương Hữu khanh; Những ngày cách ly của tác giả Bùi Quang Thắng hay Đi qua hai mùa dịch của tác giả trẻ Dy Khoa. Với cách miêu tả chân thực, hình thức sinh động và văn phong hài hước, gần gũi, những đầu sách này nhanh chóng được độc giả đón nhận, yêu thích.

Có thể thấy, vẫn còn rất nhiều địa hạt hay trong mảng xuất bản mà trước giờ vẫn bị bỏ quên. Những khó khăn, hạn chế của ngành xuất bản trong mùa dịch hóa ra lại thúc đẩy để hé lộ những tiềm năng chưa chạm tới trước đến nay. Với sự nhanh nhạy, năng động của mình, chắc chắn trong thời gian tới, người làm sách sẽ có thể khai thác những mảnh đất mới, góp phần phát triển văn hóa đọc, vừa giữ được những giá trị truyền thống, vừa theo kịp với xu thế thời đại.