Nỗi buồn mang tên trẻ em

(PLVN) - Ngày Quốc tế Thiếu nhi vừa qua chưa lâu thì dư luận lại giật mình bởi câu chuyện xâm hại trẻ em. Báo chí đưa tin, cơ quan chức năng TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương đang phối hợp với ban giám hiệu một trường mầm non để xử lý 2 cô giáo lớp nhà trẻ Họa Mi (các bé từ 18-24 tháng) vì hành vi đánh học sinh ngay tại lớp học.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thông tin, vì thấy con không chịu đi học, một phụ huynh đã theo dõi camera của nhà trường. Phụ huynh này đã phát hiện hai cô giáo có hành vi bạo hành trẻ khi cầm dép đánh vào đầu học sinh nên báo cáo sự việc đến chính quyền địa phương.

Trước đó vài ngày, báo chí đưa tin việc một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga 3 ngày dưới thời tiết nắng nóng thoát chết kỳ diệu tại xã Thanh Mỹ, Sơn Tây, Hà Nội. Công an thị xã Sơn Tây đã khẩn trương vào cuộc điều tra, truy tìm tung tích mẹ cháu bé. Chị ta, một người sinh năm 1989, khai rằng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, chị ta đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) để vứt bỏ. Sau đó, chị ta xóa dấu vết, rồi đi về trung tâm Hà Nội. Có thể, người mẹ này thoát được sự xử lý của pháp luật nhưng “tòa án lương tâm” và dư luận đã kết tội.

Cũng thời gian này, ở Nghệ An, một bé trai 5 tuổi bị bắt cóc rồi bị bỏ đói đến chết trong ngôi nhà hoang. Liệu còn vụ việc nào xâm hại trẻ em chưa được công luận biết đến?

Theo thông lệ hàng năm, tháng 6 được chọn là “Tháng hành động vì trẻ em”. Trong tháng này nhiều hoạt động được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, gia đình và trẻ em về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội để cùng chung tay cải thiện môi trường sống cho trẻ, tạo cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.

Với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, tháng 6/2020, ở nhiều nơi tổ chức phát động “Tháng hành động vì trẻ em năm 2020”; đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức động viên, tặng quà, học bổng… cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; vận động nguồn lực ủng hộ để thực hiện các mục tiêu về trẻ em; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia của trẻ; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em…

Rầm rộ như thế, tại sao cái ác vẫn đến với trẻ em? Do tuyên truyền hời hợt theo phong trào, hay luật pháp chưa đi vào cuộc sống, hay văn hóa xuống cấp? Chúng ta nợ chính chúng ta câu trả lời.